Theo báo cáo của chương trình so sánh quốc tế (ICP) thuộc WB, GDP của Mỹ trong năm 2011 vào khoảng 15.533 tỉ USD, cao hơn gấp đôi Trung Quốc (7.321 tỉ USD). Tuy nhiên, nếu tính theo PPP thì GDP Trung Quốc tăng lên 13.495 tỉ USD, tương đương 87% GDP Mỹ.
Cũng bằng cách tính trên, đến cuối năm 2014, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ soán ngôi Mỹ. Một lý do dẫn đến sự đổi ngôi là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ hơn Mỹ trong thời gian qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,5% trong năm nay, gần gấp 3 của Mỹ (2,8%).
Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển nếu tính theo GDP đầu người
Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, PPP không phản ánh được sự giàu có của một quốc gia. Nếu tính theo GDP đầu người thì Trung Quốc, với dân số hơn 1,3 tỉ người, vẫn bị xem là nước đang phát triển và đứng sau Mỹ. Dữ liệu của WB cho biết GDP của Mỹ năm 2012 là 16.000 tỉ USD trong khi GDP Trung Quốc chỉ đạt 8.800 tỉ USD. Báo cáo trên nhắc nhở rằng số tiền mà người tiêu dùng Trung Quốc có thể chi tiêu chỉ bằng 1/10 người Mỹ.
Đáng chú ý, Bắc Kinh không muốn nhận danh hiệu số 1. Tổng cục Thống kê quốc gia Trung quốc (NBS), cơ quan tham gia cuộc nghiên cứu trên, tỏ thái độ thận trọng về phương pháp tính toán và không chấp nhận những kết quả trong báo cáo là số liệu thống kê chính thức. Trước đó, nước này cũng không quá hào hứng trước những cột mốc như qua mặt Đức để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hoặc vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Lý giải cho thái độ này, hãng tin AP cho rằng Trung Quốc không muốn phải chịu sức ép về những nghĩa vụ tài chính hoặc buộc phải nhượng bộ trong một loạt vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu…
Bình luận (0)