Đã có tổng cộng 2.290 quan chức bị kỷ luật kể từ đầu năm đến cuối tháng 6-2013 trong chiến dịch trấn áp nạn xa hoa, lãng phí của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) nhằm xoa dịu sự bất bình của công chúng. Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của CPC (CCDI), những sai phạm phổ biến của các quan chức nói trên là dùng tiền công sai mục đích, tổ chức đám cưới xa hoa, có các kỳ nghỉ mát hoành tráng và uống rượu trong giờ ăn trưa.
Dùng tiền công sai mục đích
Ông Vương Thân Sinh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hồ Nam, đã bị cảnh cáo vì nhận tiền và quà trong đám cưới con trai ông này hồi tháng 1. Thông tin trên mạng còn cho thấy hơn 20 xe cảnh sát cùng 100 quan chức từ các cơ quan tư pháp địa phương đã tới tham dự đám cưới này. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của tỉnh Hồ Nam thông báo rằng ông Vương đã nhận khoảng 140.000 nhân dân tệ từ 78 người tham dự đám cưới và quan chức này đã chuyển số tiền trên cho ủy ban.
Trong khi đó, một quan chức từ một quận của TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị cảnh cáo nghiêm khắc vì cho 10 viên chức đi tham quan tỉnh Hải Nam bằng tiền công. Cơ quan chống tham nhũng đã yêu cầu các viên chức này phải trả tiền cho chuyến du lịch của mình.
Cần cơ chế chống tham nhũng hiệu quả
Nhân dịp này, CCDI đã yêu cầu các quan chức và đảng viên tuân thủ nghiêm túc những quy định về chống chủ nghĩa hình thức và nạn quan liêu được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPC hôm 4-12-2012. Những quy định này bao gồm giảm bớt việc chào đón bằng thảm đỏ, băng-rôn và tiệc tùng xa hoa; hạn chế những buổi lễ, cuộc họp và các chuyến công tác không cần thiết, mang tính hình thức và lãng phí thời gian. Ngoài ra, thời gian diễn ra các cuộc họp chính thức cũng như độ dài các bài phát biểu phải được rút ngắn lại, chỉ nên tập trung vào những nội dung cụ thể và quan trọng…
Hãng tin AP nhận định với việc công bố thông tin nói trên, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn chứng tỏ họ xem trọng công việc loại bỏ nạn xa hoa, lãng phí trong quan chức, cũng như nghiêm túc trong nỗ lực đối phó nạn tham nhũng, hối lộ đang phổ biến. Dù vậy, ông Hồ Tinh Đẩu, một nhà kinh tế chính trị học tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, nhận định rằng những chiến dịch như thế chỉ có tác dụng hạn chế bởi chúng chỉ nhằm xử lý những triệu chứng của tham nhũng thay vì tập trung vào việc xây dựng các biện pháp kiểm tra quyền lực có hệ thống.
Ông nhận định: “Dĩ nhiên là những chiến dịch này giúp ích cho nỗ lực chống tham nhũng nhưng chúng chỉ là cách thức chống tham nhũng truyền thống bằng cách sử dụng các biện pháp hành chính cứng rắn. Trong khi đó, vẫn chưa có tiến triển nào trong việc phát triển một cơ chế chống tham nhũng thật sự hiệu quả”. Theo ông, một cơ chế như thế nên bao gồm việc yêu cầu quan chức công khai tài sản, cho phép tự do báo chí nhiều hơn và giám sát mạnh mẽ hơn các cơ quan chính thức.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!