Đài CBS News dẫn lời một quan chức Chính phủ Philippines cho biết hồi tuần trước ông vừa có chuyến bay gần Đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và nhận thấy Trung Quốc vẫn đang xây dựng ồ ạt tại đây với hàng loạt máy đào, máy xúc và cả một cần cẩu lớn.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn. Ảnh: Reuters
Vị quan chức này nói với hãng thông tấn AP (Mỹ): “Hoạt động xây dựng có quy mô rất lớn đến mức khó tin”. Đồng thời ông còn khẳng định thêm rằng những bằng chứng ghi nhận được cho thấy có thể mất nhiều tháng nữa Trung Quốc mới có thể hoàn tất việc bồi lấn và xây dựng phi pháp này.
Trong khi đó, hai quan chức giấu tên khác của quân đội Philippines dẫn những hình ảnh giám sát quân sự gần đây khẳng định hoạt động xây dựng của Trung Quốc đang tiếp diễn trên Đá Vành Khăn. Giới chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận về thông tin mới này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16-6 tuyên bố sẽ hoàn thành hoạt động cải tạo các bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam "trong vài ngày tới". Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nói rằng sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tìm kiếm cứu nạn, bảo tồn môi trường và nghiên cứu khoa học tại những nơi này.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm 26-6 gọi các dự án bồi lấn, cải tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông là “mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định”. Ông Blinken khẳng định Mỹ kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Đồng thời ông cũng kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết bất đồng theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc "tàn sát" san hô biển Đông
Giới chuyên gia hải dương học gần đây lên tiếng cảnh báo hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã huy hoại ở mức độ chưa từng thấy đối với một trong những hệ thống san hô quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Nhà sinh vật biển uy tín John McManus thuộc đại học Miami, Mỹ cho biết hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở các bãi đá tại Trường Sa đang "phá hủy vĩnh viễn khu vực san hô này với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người".
Hệ thống san hô lớn xung quanh cũng bị hủy hoại nặng nề vì Trung Quốc nạo hút cát để bồi đắp đảo mới và nạo vét các kênh vận tải để tiếp cận chúng. Qua những bức ảnh vệ tinh ở Trường Sa, các nhà khoa học quan sát thấy khu vực bị ảnh hưởng được cho là lớn hơn đánh giá ban đầu.
Ông McManus kêu gọi các bên liên quan gác lại tranh chấp và tạo ra một "công viên hòa bình" trên biển để bảo tồn những rạn san hô còn lại của biển Đông.
Bình luận (0)