Phát biểu tại phiên điều trần quốc hội, Phó Đô đốc Alexander Lopez không nói rõ thời gian cụ thể Trung Quốc “đe dọa” máy bay quân sự Philippines. Tuy nhiên, một quan chức không quân Philippines tiết lộ “cảnh báo” được Bắc Kinh đưa ra trong vòng 3 tháng qua.
Theo vị quan chức kể trên, Trung Quốc có thể đang thăm dò biển Đông để thiết lập vùng nhận dạng phòng không phía trên quần đảo Trường Sa nên mới đuổi máy bay Philippines.
Đô đốc Lopez cho biết: “Khi chúng tôi đang tuần tra trong không phận quốc tế, máy bay của chúng tôi nhận được tín hiệu cảnh báo qua sóng vô tuyết. Phía Trung Quốc nói rằng chúng tôi đang bay trong khu vực do họ kiểm soát”. Dù vậy, máy bay của không quân Philippines vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 7-5 vẫn ngang ngược tuyên bố nước này không loại trừ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp và các đảo ở biển Đông.
"Vấn đề thiết lập một ADIZ phụ thuộc vào tình huống xuất hiện nguy cơ nào đó cũng như tính đến nhiều yếu tố khác" - bà này nói.
Bắc Kinh thường triển khai tàu hải quân và tàu tuần duyên ở Trường Sa nhưng hiếm khi đưa máy bay tới quần đảo này vì khoảng cách khá xa. Hồi tháng trước, một tàu chiến Trung Quốc yêu cầu một máy bay tuần tra của Philippines hạ độ cao, sau đó rời khỏi “lãnh thổ Trung Quốc” gần Đá Xu Bi.
Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy lực lượng vũ trang Mỹ tại châu Á, tháng trước cho biết Bắc Kinh có thể sẽ triển khai các hệ thống radar và tên lửa tới một số tiền đồn xây dựng trái phép trên biển Đông. Các hình ảnh từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã mở rộng việc cải tạo 7 rạn san hô ở Trường Sa.
Theo Đô đốc Lopez, Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo gần đảo Thị Tứ và Bãi Cỏ Mây, mở rộng các rạn san hô chiếm đóng từ vài nghìn mét vuông lên 11 héc-ta.
Hôm 6-5, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) chỉ trích cố tình đánh lạc hướng khu vực bằng cách những cáo buộc ngược lại Manila xây dựng trên biển Đông. "Trung Quốc không nên đánh lạc hướng khu vực và cộng đồng quốc tế khỏi vấn đề cốt lõi trong tranh chấp ở biển Đông là "đường 9 đoạn" vô giá trị và bất hợp pháp" - DFA nêu rõ, đồng thời cho rằng hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc có thể làm thay đổi vĩnh viễn hiện trạng của các đảo, rạn san hô và đá ngầm ở vùng biển trên.
Trước đó, hôm 5-5, Trung Quốc tố Philippines vi phạm Tuyên bố Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) song song với yêu cầu Manila "ngừng việc thổi phồng và khiêu khích" trong tranh chấp.
Trong một diễn biển khác, Đại úy Ronald Oswald, người đứng đầu bộ phận hợp tác an ninh của Hạm đội 7 Mỹ, cho hay các cuộc tập trận đa phương giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á sẽ được tăng cường trong năm 2016.
Theo tạp chí The Diplomat ngày 7-5, những chương trình hiện tại có thể được mở rộng, như cuộc tập trận thường niên Huấn luyện và Sẵn sàng hợp tác trên biển (CARAT), chương trình Huấn luyện và Hợp tác Đông Nam Á (SEACAT)...
CARAT là một loạt cuộc tập trận hải quân song phương do Hải quân Mỹ chủ trì từ năm 1995 và bây giờ mở rộng ra với sự tham dự của một số quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á bao gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Đông Timor.
Còn SEACAT được tiến hành lần đầu vào năm 2002, với sự tham gia của Hải quân Mỹ và 6 nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Bình luận (0)