Mức sẵn sàng tác chiến cao thứ hai cũng đồng nghĩa thêm vũ khí và binh sĩ được triển khai đến tiền tuyến, các cuộc tập trận được tăng cường với cấp chỉ huy, sĩ quan lẫn binh sĩ, một nguồn tin cho biết.
Lần gần đây nhất Trung Quốc nâng mức sẵn sàng tác chiến lên mức cao thứ hai trong khu vực là vào năm 1987, khi đợt xung đột ở thung lũng Sumdorong Chu đẩy quan hệ Trung - Ấn vào bờ vực chiến tranh, nguồn tin cho biết thêm.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có 4 mức sẵn sàng tác chiến. Mức cao nhất được ban bố khi giới lãnh đạo quân sự kết luận xung đột vũ trang là không thể tránh.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: EPA
Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Trung của PLA hôm 8-9, một ngày sau vụ nổ súng nêu trên, thông qua mạng xã hội Weibo cho biết họ đã nhận được lệnh triển khai thêm vũ khí và binh sĩ đến khu vực, cũng như tiến hành hàng loạt cuộc tập trận thể chất lẫn chiến thuật.
"Khi mức độ sẵn sàng tác chiến được nâng lên, chỉ huy, sĩ quan và binh sĩ sẽ làm việc ngày đêm, tăng cường tập trận và huấn luyện. PLA điều thêm binh sĩ và vũ khí đến Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất" – một nguồn tin cho biết.
Tình trạng căng thẳng trên chỉ được xoa dịu sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ở Moscow – Nga, hôm 11-9 bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, theo nguồn tin thứ hai.
Cũng theo nguồn tin này, mặc dù mức sẵn sàng tác chiến đã được hạ, nó có thể được nâng lên lại nếu tình huống tương tự xảy ra.
Ảnh vệ tinh dường như cho thấy Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực tranh chấp. Ảnh: Kanwa Defence Review.
Trong khi đó, loạt ảnh vệ tinh được Tạp chí quân sự Kanwa Defence Review (Canada) số mới nhất đăng tải dường như cho thấy Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự dọc thung lũng Pangong Tso trong khu vực tranh chấp.
Căng thẳng Bắc Kinh-New Delhi leo thang kể từ đợt đụng độ quân sự đẫm máu ở thung lũng Galwan hồi tháng 6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Bắc Kinh cho biết họ cũng chịu tổn thất nhưng không tiết lộ chi tiết thương vong.
Ấn Độ tăng cường vận chuyển lương thảo, quân nhu
Trong những tháng qua, Ấn Độ huy động toàn bộ mạng lưới hậu cần để vận chuyển lương thảo, đạn dược, thiết bị, nhiên liệu, vật tư... cho binh sĩ dọc biên giới với Trung Quốc. Đây là số hàng cần dự trữ cho mùa đông sắp tới ở vùng Ladakh, khu vực do Ấn Độ quản lý và giáp với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.
Một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết quân số tại Ladakh đã tăng lên gấp đôi so với con số 20.000-30.000 thông thường. Tuy nhiên, người này không tiết lộ con số cụ thể.
Nhiệt độ ở Ladakh có thể xuống dưới 0°C vào mùa đông và binh sĩ thường được triển khai ở độ cao hơn 4.500 m, nơi có ôxi loãng. Băng tuyết có thể chặn các tuyến đường vào Ladakh ít nhất trong 4 tháng mùa đông nên hơn 150.000 tấn vật tư, nhu yếu phẩm đã được chuyển tới đây từ trước.
Bình luận (0)