Mức độ tăng dư nợ tín dụng tại Trung Quốc đang báo hiệu nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong vòng 3 năm tới, theo báo cáo quý mới nhất của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), trụ sở ở Thụy Sĩ, hôm 18-9.
Cảnh báo đỏ
Báo cáo trên cho biết khoảng cách giữa tín dụng và GDP của Trung Quốc lên đến 30,1% trong quý I/2016. Đây là mức cao nhất trong số 42 nền kinh tế được BIS khảo sát, trong đó có Mỹ, Hy Lạp và Anh. Những nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng ngân hàng trong vòng 60 năm qua cho thấy ngưỡng 10% là đủ để trở thành rủi ro với hệ thống ngân hàng của một quốc gia và vượt ngưỡng này đòi hỏi sự giám sát cẩn thận. Thực tế, Trung Quốc đã vượt ngưỡng “điềm báo khủng hoảng tài chính” này trong 3 năm liên tiếp. Vào năm ngoái, con số này đạt mức 25,4%.
Kiểm tiền nhân dân tệ tại một ngân hàng của Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Theo đài Sky News, BIS đã gửi tín hiệu đỏ tới Trung Quốc khi cảnh báo nguy cơ nền kinh tế số 2 thế giới đối mặt khủng hoảng tài chính trong vòng 3 năm tới. Các nhà phân tích của BIS cũng chỉ rõ: Trung Quốc là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu nên bất cứ cuộc khủng hoảng nào bùng phát trong lĩnh vực ngân hàng nước này cũng có thể gây hậu quả khốc liệt đối với thế giới. Tổng nợ của Bắc Kinh hiện lên tới 25.000 tỉ USD, tính đến cuối năm ngoái, tương đương 249% GDP - theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Giới phân tích cảnh báo tình trạng cho vay tràn lan đe dọa châm ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính do nợ xấu và vỡ nợ trái phiếu. Bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đồng loạt báo cáo các khoản nợ xấu tăng cao trong nửa đầu năm nay. Các ngân hàng này đều đã xin hủy hơn 300 tỉ USD nợ xấu trong vòng 3 năm qua, theo một quan chức hữu trách Trung Quốc. Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và BIS đều hối thúc Bắc Kinh nhanh chóng giải quyết vấn đề đáng báo động này.
Động thái hiếm thấy
Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 19-9 cho hay văn phòng của Ủy ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc (CBRC) tại tỉnh Hà Nam vừa yêu cầu các ngân hàng cung cấp những khoản vay mới trị giá 67,4 tỉ USD trong năm nay nhằm giúp thúc đẩy kinh tế địa phương. Động thái hiếm thấy này làm dấy lên quan ngại rằng chính quyền địa phương đang tác động ngày càng nhiều vào quyết định của các ngân hàng giữa lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý, tỉ lệ khoản cho vay không hiệu quả ở Hà Nam tăng lên mức 3% tính đến cuối năm 2015, cao hơn mức trung bình quốc gia. Nợ xấu tại tỉnh này tăng gần gấp đôi, lên tới 150 triệu USD vào cuối năm 2015, theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế trưởng Liên Bình từ Bank of Communications (Hồng Kông) cho biết ông không trông đợi các tỉnh khác đi theo chính sách của Hà Nam bởi cách áp đặt mục tiêu tín dụng nói trên không phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh hiện nay. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cấp cao Toàn Đức Kiện của United Overseas Bank (Singapore) nhấn mạnh phải để các ngân hàng tự ra quyết định đối với kế hoạch cho vay thay vì tuân thủ mệnh lệnh từ cơ quan điều tiết. “Việc chỉ bảo các ngân hàng nên cho vay bao nhiêu có thể làm tăng thêm rủi ro cho hoạt động của họ, đặc biệt là khi nền kinh tế đang trong quỹ đạo đi xuống” - ông nói thêm.
Vấn đề cấp bách
Gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề phiên họp lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại TP New York hôm 19-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Bắc Kinh nhanh chóng xử lý vấn đề dư thừa sản lượng công nghiệp. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết thêm ông Obama còn thúc giục Trung Quốc thiết lập một sân chơi để tất cả các công ty có thể cạnh tranh công bằng tại nước này. Theo BBC, Bắc Kinh đang bị cáo buộc đối xử thiếu công bằng với các công ty nước ngoài bằng cách bán phá giá sản phẩm tại thị trường trong nước.
Đầu năm nay, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EUCC) tại Trung Quốc lên tiếng cáo buộc nền kinh tế số 2 thế giới chưa hành động đủ để giải quyết vấn đề dư thừa công suất. Chủ tịch EUCC Joerg Wuttke cảnh báo rằng vấn đề này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và cái giá của sự “cố chấp” duy trì tình trạng dư thừa công suất sẽ rất đắt. Hồi tháng 4, Trung Quốc đã cam kết sẽ giảm sản lượng thép sau cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của 30 quốc gia.
Bình luận (0)