Cụ thể, Trung Quốc dự kiến thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách tăng lượng hàng hóa nhập khẩu hằng năm từ nền kinh tế số một thế giới, với tổng giá trị tăng thêm là hơn 1.000 tỉ USD. Với kế hoạch này, Trung Quốc cho rằng thặng dư thương mại giữa 2 nước sẽ từ mốc 323 tỉ USD của năm ngoái xuống con số 0 vào năm 2024.
Như vậy, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào năm sau, hố sâu thương mại Mỹ - Trung sẽ được lấp đầy vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Trung Quốc và Mỹ đang tích cực đàm phán để tháo ngòi cuộc chiến tranh thương mại sau khi ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt thỏa thuận tạm đình chiến hôm 1-12-2018. Theo báo Wall Street Journal hôm 17-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang thảo luận việc dỡ bỏ một số hoặc tất cả thuế quan nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Tuy nhiên, do vấp phải phản đối của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nên đề xuất này chưa được trình lên ông chủ Nhà Trắng. Theo kế hoạch, từ ngày 2-3, chính quyền ông Trump sẽ tăng thuế nhằm vào số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc, từ mức 10% lên 25%.
Trái cây của Mỹ tại một siêu thị ở Bắc Kinh – Trung Quốc Ảnh: EPA-EFE
Trong khi đó, các nguồn tin của Reuters cho hay Mỹ đang yêu cầu áp dụng việc đánh giá định kỳ đối với các cam kết cải cách thương mại của Trung Quốc và xem đây là một điều kiện của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Nếu Trung Quốc vi phạm thỏa thuận, Mỹ sẽ lại "phạt" bằng thuế quan. Thông tin này cho thấy ngay cả khi hai nền kinh tế hàng đầu đạt được thỏa thuận thương mại thì mối đe dọa thuế quan vẫn treo lơ lửng.
Việc "xét lại" kể trên không phải là chuyện thường thấy trong các thỏa thuận thương mại mà na ná với quy trình áp đặt trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên và Iran. "Yêu cầu này xuất phát từ thực tế Trung Quốc từng nhiều lần không giữ lời hứa" - một nguồn tin của Reuters giải thích.
Các yêu cầu khác bao gồm Trung Quốc phải thay đổi chính sách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp cùng nhiều rào cản thương mại khác. Mỗi vấn đề có thể cần tiến trình đàm phán và thỏa thuận riêng rẽ.
Bình luận (0)