Đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân nước này lại chia sẻ với phái đoàn đàm phán thương mại của Mỹ nhiều điểm không hài lòng đối với Bắc Kinh. Hai bên còn có mối bận tâm chung mang tên doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Thực tế này cho thấy mức độ khó khăn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đối mặt trong quá trình thúc ép Trung Quốc thay đổi các chính sách công nghiệp. Dù vậy, theo trang Bloomberg, nó cũng mang đến cho Tổng thống Donald Trump những đồng minh "ẩn mình".
Thế giới cần doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thành công trong trường hợp Bắc Kinh vẫn là một động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu. Đáng chú ý là những yêu cầu của họ không khác gì đòi hỏi của các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc: Được tiếp cận tốt hơn các thị trường dịch vụ đang chịu sự thống trị của công ty nhà nước trong ngành năng lượng, tài chính, viễn thông và giao thông; được bảo vệ tốt hơn về tài sản trí tuệ; giảm trợ cấp, hỗ trợ tài chính và những lợi thế khác mà doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng...
Xe hơi xuất khẩu tại cảng Ningbo Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Bloomberg nhận định Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ cấu trúc công nghiệp do nhà nước đứng đầu trong lúc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ không được bàn đến. Dù vậy, vẫn có hai lý do để tin rằng Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi. Đầu tiên, như truyền thông Trung Quốc đưa tin, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại cộng với tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ, khiến giới lãnh đạo nước này không khỏi "choáng váng".
Cách đây mới vài tháng, truyền thông địa phương nói nhiều đến chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" - một kế hoạch chi tiết nhằm biến Trung Quốc thành cường quốc về công nghệ cao. Hiện tại, những tham vọng công nghiệp này rất ít được truyền thông đại lục nhắc đến.
Thứ hai, rộng mở thị trường chào đón sự cạnh tranh trong và ngoài nước sẽ là giải pháp chắc chắn nhất để Trung Quốc khôi phục đà tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại. Ở Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân không chỉ làm ăn hiệu quả mà còn tạo ra hầu hết công ăn việc làm mới, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tương tự Brazil (tính theo sức mua) nhưng sức tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ ngang với Nigeria. Nếu người Trung Quốc tiêu dùng như Brazil, chi tiêu của họ sẽ tăng gấp đôi.
Chính phủ Trung Quốc hiểu rõ sự cần thiết của việc lấy lòng doanh nghiệp tư nhân. Kể từ giữa năm 2018, Bắc Kinh khuyến khích ngân hàng cho các công ty tư nhân vay mượn nhiều hơn. Dù vậy, những nỗ lực này chưa mang lại nhiều tiến triển vì hệ thống ngân hàng truyền thống không được thiết lập để cung cấp các khoản vay loại này.
Tin tốt là Bắc Kinh đã có sẵn kế hoạch chi tiết để tiến hành những cải cách kinh tế nhằm tiếp thêm sinh khí cho doanh nghiệp tư nhân. 5 năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch gồm 60 điểm với cam kết "để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực". Kế hoạch này đến giờ vẫn chưa được thực thi.
Việc hồi sinh những cam kết bị lãng quên này dưới danh nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp Bắc Kinh đáp ứng được một số yêu cầu của Tổng thống Trump mà không sợ bị nói là nhượng bộ.
Những dấu hiệu đáng lo
Các thị trường chứng khoán ở châu Á đồng loạt sụt giảm hôm 14-1 trước dữ liệu thương mại mới kém lạc quan của Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), nhập khẩu của nước này trong tháng 12-2018 sụt 7,6% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 7-2016; xuất khẩu của Trung Quốc giảm sốc 4,4%, cao nhất kể từ năm 2016. Nhiều chuyên gia đã kỳ vọng 2 con số này tăng lần lượt 5% và 3%.
Reuters nhận định những số liệu bất ngờ trên cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong những tháng cuối năm, bất chấp một số biện pháp thúc đẩy tăng trưởng như tăng chi tiêu cho hạ tầng và cắt giảm thuế. Chưa hết, chúng còn báo hiệu Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong năm 2019 giữa lúc nhu cầu toàn cầu sụt giảm.
Ngay cả GAC cũng thừa nhận nỗi lo lớn nhất về thương mại trong năm nay là sự thiếu ổn định từ bên ngoài và chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời dự báo tăng trưởng thương mại của Trung Quốc chậm lại trong năm 2019.
Một dữ liệu khác càng khiến các nhà hoạch định chính sách thêm lo lắng: Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong năm 2018 lập kỷ lục ngay cả khi hai bên đang có bất đồng thương mại. Theo GAC, con số này tăng 17% lên 323,32 tỉ USD, mức cao nhất được ghi nhận từ năm 2006. Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2018 tăng 11,3% so với năm trước đó, trong khi nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ tăng 0,7%.
Một số chuyên gia lo ngại những dữ liệu trên sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng sức ép lên Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại chưa rõ hồi kết. Các nhà thương thảo từ cả hai nước đều bày tỏ lạc quan sau các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh tuần rồi. Bloomberg nhận định dữ liệu thương mại tiêu cực nói trên có thể thúc ép Trung Quốc đạt được thỏa thuận nào đó hoặc ít nhất là thuyết phục Mỹ hoãn tăng thuế. Cùng lúc đó, Washington dường như cũng chịu sức ép phải xuống thang căng thẳng bởi bầu không khí u ám của các thị trường tài chính.
Hoàng Phương
Bình luận (0)