Trong cuộc họp hôm 23-10, ông Putin cho rằng quân đội hai nước đã hợp tác chặt chẽ với nhau và "thời gian sẽ cho thấy mọi việc tiến triển như thế nào. Lãnh đạo Nga cho hay: "Cho đến nay, Nga vẫn chưa đặt ra mục tiêu đó nhưng về nguyên tắc, chúng tôi cũng sẽ không loại trừ khả năng thành lập liên minh Nga-Trung nên chúng ta cùng chờ xem".
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 25-10, một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng mặc dù ý tưởng này rất khó xảy ra nhưng việc ông Putin nói về vấn đề này cũng có thể được xem là một dấu hiệu thiện chí.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi và cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu đầy tính tinh thần dân tộc nhân kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên.
Phản ứng chính thức của Bắc Kinh đối với các bình luận của ông Putin là không cam kết nhưng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết điều này thể hiện mức độ cao và bản chất đặc biệt trong quan hệ song phương của hai nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng: "Không có giới hạn đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Nga và cũng không có giới hạn nào cho việc mở rộng sự hợp tác của hai nước".
Các nhà phân tích cho rằng dù khó có thể có một liên minh chính thức nhưng gợi ý này là dấu hiệu rõ ràng của sự đoàn kết trong bối cảnh diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã xung đột về việc ai sẽ là người xử lý tốt nhất những thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Ông Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết: "Cả Trung Quốc và Nga đều là mục tiêu bị chỉ trích trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ông Putin đang cố cho thấy mối quan hệ hai nước bền chặt như thế nào".
Các binh sĩ Trung Quốc tham gia cuộc tập trận tại Nga hồi tháng trước. Ảnh: EPA-EFE
Chuyên gia này nói thêm việc thể hiện tình đoàn kết cũng nhằm gửi đi thông điệp về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga mà Washington đang cố gây áp lực buộc Trung Quốc tham gia.
Ông Li nói rằng cơ hội thành lập một liên minh quân sự Nga-Trung vẫn còn rất xa vời vì điều đó sẽ buộc hai bên phải bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công. Ông Li cũng lưu ý rằng Trung Quốc vẫn là một phần của Phong trào Không liên kết, gồm 120 quốc gia đang phát triển trên thế giới không liên kết chính thức với bất kỳ cường quốc lớn nào, điều mà Trung Quốc đã xem là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại độc lập của mình suốt nhiều thập kỷ.
Trong khi đó, chuyên gia này nhận định mối quan hệ chặt chẽ và sự hợp tác với Nga là vì lợi ích của Trung Quốc, đặc biệt là về các vấn đề quản trị toàn cầu, nơi hai bên có nhiều điểm chung.
Tỏ ra thận trọng hơn, ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho rằng những phát ngôn mới nhất của ông Putin có thể là nỗ lực khiến Washington và Bắc Kinh đối đầu nhau.
"Căng thẳng Mỹ-Trung đang ở tình trạng tồi tệ đến mức có thể xảy ra xung đột quân sự. Cơ hội mà Nga muốn trở thành đồng minh của Trung Quốc là rất thấp. Đây chủ yếu là dấu hiệu cho thấy khát vọng của Nga muốn trở thành bên trung lập quan trọng để buộc Mỹ hoặc Trung Quốc đưa ra nhượng bộ" - ông Shi nói.
Bình luận (0)