Thông tin chắc chắn sẽ làm tăng nhiệt ở vùng biển đang sôi sục này do tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa ra ngày 25-4.
Dẫn nguồn tin thân cận với lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), SCMP cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh quá trình thành lập một tiền đồn mới ở khu vực cách bờ biển Philippines khoảng 230 km trong bối cảnh Mỹ và Philippines đẩy mạnh tăng cường hợp tác quân sự.
Cũng theo nguồn tin giấu tên này, kế hoạch bồi đắp nêu trên nhằm đáp trả chiến dịch “tự do hàng hải” do quân đội Mỹ tiến hành gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc lấn chiếm trái phép ở biển Đông. Việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan dự kiến đưa ra phán quyết (vào tháng 5 hoặc 6-2016) về vụ Philippines kiện yêu sách “đường 9 đoạn” sai trái của Trung Quốc cũng là một phần lý do.
Theo chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trường ĐH Hồng Kông, ông Willy Lau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc bằng cách hướng sự chú ý vào vấn đề biển Đông trong khi người dân đang ăn không ngon, ngủ không yên vì “sức khỏe” suy giảm đáng lo ngại của nền kinh tế số 2 thế giới. “Ông Tập không còn đường lùi. Điều tệ hại nhất đối với nhà lãnh đạo này là phải gánh chịu sự mất mặt trước thế giới trong một vấn đề đối ngoại quan trọng” - ông Willy Lau nhận xét.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi cuối tuần qua tuyên bố họ đã đạt được đồng thuận với Brunei, Campuchia và Lào về hoạt động xây dựng phi pháp tại biển Đông. Đây cũng là động thái nhằm đón đầu phán quyết của PCA - được dự báo là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. Cái gọi là thỏa thuận riêng giữa 4 nước này cho rằng tranh chấp trên biển Đông “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN”.
Báo The Straits Times (Singapore) dẫn một nguồn tin ngoại giao ASEAN bình luận: “Trung Quốc lo lắng ASEAN sẽ đưa ra tuyên bố chung sau phán quyết của PCA”. Do đó, Bắc Kinh đang tìm cách vận động một số thành viên “dễ lấy lòng” nhất. Bà Phương Nguyễn, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS - Mỹ), cũng nhận định: “Trung Quốc đang đẩy mạnh những nỗ lực ngoại giao hậu trường với một số chính phủ ở Đông Nam Á để thuyết phục họ phản ứng bất lợi đối với chính một thành viên ASEAN khác là Philippines”.
Bình luận (0)