Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) ngày 18-9 khẳng định việc dẫn độ doanh nhân Dương Tiến Quân đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa được 1 nghi phạm tham nhũng từ Mỹ về nước kể từ khi Bắc Kinh công bố danh sách 100 người bị truy nã hồi tháng 4-2015. Danh sách này nằm trong chiến dịch “Lưới trời” - sáng kiến của Trung Quốc nhằm truy bắt các quan chức nghi tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản “bẩn”.
Ông Dương từng là tổng giám đốc Tập đoàn Minh Hòa ở TP Ôn Châu, trốn sang Mỹ vào năm 2001. Ông này bị săn lùng vì tình nghi tham nhũng và hối lộ, bị Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ra lệnh truy nã đỏ. Theo tuyên bố của CCDI, “việc đưa được Dương Tiến Quân về nước là bước tiến quan trọng trong sự hợp tác thực thi pháp luật và chống tham nhũng giữa Trung Quốc và Mỹ, đặt ra nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực này”.
Tuyên bố được đưa ra vài ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Mỹ. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) ngày 18-9, một nội dung làm việc quan trọng của chuyến thăm là thuyết phục Mỹ cho hồi hương ông Lệnh Hoàn Thành (em trai của cựu Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch) và Quách Văn Quý (doanh nhân bất động sản ở tỉnh Hà Nam).
Vấn đề này đã được thảo luận tại cuộc gặp giữa ông Mạnh Kiến Trụ, Trưởng Ban Chính pháp trung ương Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Jeh Johnson, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice trước thềm chuyến thăm.
Các nguồn tin cho biết Washington vẫn chưa hứa hẹn gì, trừ khi Bắc Kinh đưa ra bằng chứng phạm tội của 2 nhân vật này. Ông Lệnh Hoàn Thành được cho là trốn sang Mỹ và đang khiến Trung Quốc đau đầu bởi nắm giữ nhiều bí mật quốc gia. Trong khi đó, doanh nhân họ Quách bị cáo buộc dính dáng đến Mã Kiện - cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bị bắt để điều tra tham nhũng. Nhiều người cho rằng vụ ông Mã cũng có liên quan đến Lệnh Kế Hoạch.
Thời báo Hoàn cầu cách đây không lâu dẫn lời một quan chức TP Vận Thành thuộc tỉnh Sơn Tây cho biết ông Vương Kiện Khang, anh rể của ông Lệnh Kế Hoạch và là 1 trong 5 phó chủ tịch TP Vận Thành, bị cách chức nhưng không tiết lộ nguyên nhân. Trước đó, có tin ông Vương bị bắt để điều tra tham nhũng hồi mùa hè năm ngoái ngay sau khi ông Lệnh Chính Sách, anh trai Lệnh Kế Hoạch, bị điều tra tội danh tương tự.
Sau khi cuộc điều tra ông Lệnh Chính Sách được công bố hồi tháng 6-2014, ông Vương Kiện Khang không xuất hiện trước công chúng đến tháng 8 cùng năm, dấy lên nghi ngờ ông này dính líu đến sai phạm của anh em họ Lệnh.
Trong khi đó, nhân vật mới nhất bị khai trừ khỏi đảng, bàn giao cho cơ quan pháp luật để truy tố là cựu Chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) Vương Thiên Phổ. “Vương Thiên Phổ là một cán bộ cấp cao trong đảng và ông ta đã vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - CCDI ngày 18-9 tuyên bố. CCDI cho rằng ông này nhận quà tặng, lợi dụng chức vụ để người thân hưởng lợi, dùng công quỹ mở tiệc, nhận hối lộ và tham gia tống tiền.
Đấu khẩu về biển Đông
Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, hôm 17-9 cho rằng Mỹ nên thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông bằng cách tuần tra gần các đảo nhân tạo.
Phát biểu tại một phiên điều trần của thượng viện hôm 17-9, ông Harris nhấn mạnh việc Bắc Kinh xây dựng 3 đường băng trên các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và quân sự hóa ở biển Đông là “mối lo ngại quân sự lớn”, “đe dọa tất cả quốc gia trong khu vực”. Khi được Ủy ban Quân vụ thượng viện (SASC) hỏi về khả năng quân đội Mỹ điều tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý tính từ đảo nhân tạo, ông Harris trả lời: “Tôi nghĩ chúng ta nên làm như vậy, nên thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không bởi các đảo nhân tạo đó vốn không phải là đảo”. Theo trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ David Shear, Trung Quốc vẫn chưa chuyển vũ khí hiện đại ra các đảo nhân tạo và Mỹ sẽ nỗ lực ngăn chặn điều này.
Trong khi đó, Chủ tịch SASC, Thượng nghị sĩ John McCain, nói rằng sẽ là một “sai lầm” nếu Mỹ không triển khai tàu tuần tra vì như vậy, Washington đang gián tiếp công nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Hồi tuần trước, ông McCain phàn nàn tàu tuần tra Mỹ “tịt ngòi” ngay cả sau khi Trung Quốc gửi tàu hải quân đến khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Aleutian, ngoài khơi bang Alaska - Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18-9 đã bày tỏ sự quan ngại mạnh mẽ trước phát biểu của Đô đốc Harry Harris, đồng thời lớn tiếng cho rằng Bắc Kinh “phản đối bất kỳ nước nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc nhân danh hành động bảo vệ tự do đi lại”.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)