Theo ông Lu Lizhi, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Chiết Giang, dự kiến có ít nhất 100.000 con vịt sẽ được gửi đến Pakistan sớm nhất là vào nửa cuối năm nay để chống lại sự bùng phát của dịch châu chấu sa mạc.
"Những con vịt này là "vũ khí sinh học" và có thể hiệu quả hơn thuốc trừ sâu" - ông Lu, người phụ trách dự án nghiên cứu cùng với một trường đại học ở Pakistan, cho biết.
"Một con vịt có thể ăn hơn 200 con châu chấu mỗi ngày " - ông Lu trích dẫn kết quả thí nghiệm kiểm tra khả năng tìm kiếm và săn mồi của vịt.
"Bão" châu chấu ở tỉnh Punjab- Pakistan. Ảnh: Xinhua
Một cuộc thử nghiệm dự kiến được tiến hành ở khu tự trị Tân Cương -Trung Quốc trước khi những con vịt trên được gửi đến Pakistan, ông Lu nói.
Bầy châu chấu sa mạc hiện lan rộng qua các quốc gia từ Đông Phi đến Nam Á, phá hủy mùa màng và đồng cỏ.
Bầy châu chấu đã tấn công cây trồng ở các khu vực sản xuất lớn nhất của Pakistan, đe dọa đến sức khỏe nền kinh tế vốn đang mong manh này. Hiện nay, bầy châu chấu cũng đã di cư vào Ấn Độ.
Do có chung biên giới trên bộ với Pakistan và Ấn Độ, Trung Quốc không khỏi lo lắng trước nguy cơ "xâm lăng" của dịch châu chấu.
Một nhóm chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc đã đến Pakistan trong tuần này để giúp kiểm soát dịch châu chấu bùng phát khi chúng di chuyển về phía Đông, theo một báo cáo được đăng trên trang web của tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Karachi.
Những gì xảy ra ở châu Phi cho thấy mức độ nghiêm trọng cuộc tấn công do châu chấu.
Chi phí chống chọi dịch châu chấu ở miền Đông châu lục này đã tăng gấp đôi lên 128 triệu USD với ngày càng nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết.
Bình luận (0)