Tờ Thời báo Bắc Kinh dẫn lời ông Lăng Giải Phóng (thường được biết đến qua bút danh Nhị Nguyệt Hà) phát biểu tại Bộ Nông nghiệp hôm 11-3 cho biết: “Ở nhà trẻ, một đứa trẻ sẽ nói với cô giáo: “Cha cháu làm việc ở một công ty than. Nếu cô đang thiếu than, xin cứ cho cháu biết”. Còn trong trường tiểu học, một số học sinh được hưởng ưu đãi đặc biệt khi trở thành ban cán sự lớp, tỉ như được miễn bài tập về nhà. Tham nhũng cần phải được giải quyết từ gốc rễ. Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu làm thế nào để phát triển một hệ thống chống tham nhũng”.
Nhà văn Nhị Nguyệt Hà lưu ý rằng dẫu cho quan chức nhận mức lương cao hơn, chưa chắc tham nhũng bị đẩy lùi. Thế nhưng, “một mức lương thấp chắc chắn không thể nuôi một chính phủ trong sạch” – ông khẳng định.
Một số nhà phân tích cho rằng tham nhũng tràn lan trong giới chức Trung Quốc phần vì lương cán bộ công chức quá thấp, buộc họ phải tìm kiếm thêm thu nhập. Dẫn các ví dụ lịch sử, nhà văn cho rằng ngay cả các quan chức nhận mức lương cao vẫn có thể tham nhũng vì ham muốn của con người là không đáy.
Theo nhà văn này, lương bổng các quan chức triều đại nhà Tống (960-1279) cao gấp 6 lần quan chức triều Thanh (1644-1911), cao gấp 10 lần triều đại nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên). “Tuy nhiên, ngay cả với mức lương cao như vậy, nhà Tống cũng chỉ có một quan chức trung thực và ngay thẳng, đó là Bao Chửng. Trình độ phát triển văn hóa và kinh tế của nhà Tống đều đạt đỉnh cao song nhà Tống là triều đại tham nhũng nhất trong lịch sử Trung Quốc” – nhà văn nói.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012 với hàng ngàn quan chức bị truy tố, điều tra tham nhũng. Những người chỉ trích nói rằng chiến dịch này đã thất bại trong việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây ra tham nhũng vì thiếu sự minh bạch trong hoạt động của chính phủ, tòa án, cảnh sát trong khi phương tiện truyền thông bị kiểm soát.
Bình luận (0)