Theo báo South China Morning Post (SCMP), phát biểu tại sự kiện do Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hôm 19-10, bà Merkel yêu cầu các công ty Đức đa dạng hóa và giành được các thị trường mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để hỗ trợ, Berlin sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện các điều kiện khung.
Bà Merkel cho biết hiện nay, khoảng 3/4 hàng xuất khẩu của Đức ở châu Á là sang Đông Á và một nửa trong số đó đến Trung Quốc.
Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: AP
Cũng tại hội nghị hôm 19-10, ông Altmaier nói rằng các công ty Đức nên đa dạng hóa sang các thị trường châu Á ngoài Trung Quốc để bớt phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng đơn lẻ - vốn dễ bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Ám chỉ những trục trặc về việc cung cấp thiết bị y tế cho thị trường Đức vào mùa xuân năm nay, ông Altmaier tuyên bố: "Chúng tôi muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Singapore và Hàn Quốc có thể mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn vì họ đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng Covid-19, phục hồi sức mạnh kinh tế từ rất sớm".
Một quan chức Berlin gần đây nói với SCMP: "Đức không có mục tiêu tách rời Trung Quốc. Thay vào đó, chúng tôi muốn có được miếng bánh lớn hơn ở châu Á vì chúng tôi đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc khi tiến vào thị trường châu Á".
Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), gần đây đưa ra chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khám phá các điểm đến trong khu vực ngoài Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khác, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng kêu gọi bớt phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng thường là về chuỗi cung ứng y tế chứ không toàn diện như bà Merkel đề xuất.
Trung Quốc luôn hy vọng giữ EU đứng về phía mình khi cuộc cạnh tranh kinh tế và địa chính trị với Mỹ ngày càng gia tăng. Nhưng vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có đồng ý cho khối này tiếp cận thị trường đa dạng hơn nữa hay không.
Ông Pompeo: Mỹ và Brazil phải giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19-10 đề nghị Mỹ và Brazil cần giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì an ninh của chính họ. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về gia tăng hợp tác Mỹ - Brazil nhằm phục hồi sau đại dịch Covid-19, ông Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ kinh tế song phương, đồng thời cảnh báo sự tham gia đáng kể của Trung Quốc vào nền kinh tế của hai nước là "rủi ro to lớn". Khi được hỏi về bình luận của ông Pompeo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 20-10: "Một số chính trị gia Mỹ đang cố gắng gieo rắc mối bất hòa. Hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil là lâu bền và nhận được sự ủng hộ rộng rãi". Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với Brazil, trở thành đối trọng với Trung Quốc. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro được cho là muốn ủng hộ nhưng bị cản trở bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của nước ông, mua nhiều đậu nành và quặng sắt.
Bình luận (0)