Năm 2010, bà Clinton khiến Bắc Kinh phẫn nộ vì đẩy vấn đề biển Đông lên đầu chương trình nghị sự an ninh khu vực và Mỹ.
Càng gần thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague – Hà Lan ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông (ngày 12-7), hãng tin Reuters cho rằng Bắc Kinh càng quan tâm nhất cử nhất động của “bà đầm thép” Mỹ với tất cả sự e dè.
Với quan điểm cứng rắn về nhân quyền, cộng thêm vai trò quan trọng đối với chiến lược “tái cân bằng” châu Á của Tổng thống Barack Obama, bà Clinton nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng không phải người nào cũng yêu thích.
Hãng tin Tân Hoa Xã trong một bài bình luận mô tả “chính sách đối ngoại cứng rắn của bà Clinton có lẽ là cách tốt nhất để thể hiện phong thái lãnh đạo của người Mỹ”. Hãng tin này bày tỏ quan ngại chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Washington có thể trở thành một mối đe dọa đối với Bắc Kinh, trong đó bà Clinton là một phụ tá đắc lực cho người khởi xướng kế hoạch, tổng thống Obama.
Theo một nguồn tin ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, bà Clinton sẽ là một đối tác “khó nhằn” nếu trở thành tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Một quan chức quốc phòng hàng đầu của đại lục cũng nhận xét bà Clinton “rất dữ tợn” khi nói tới Trung Quốc.
Nhớ lại Hội nghị thượng đỉnh an ninh Đông Nam Á năm 2010, bà Clinton lúc đó tuyên bố tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng công cụ pháp lý được xem là lợi ích quốc gia của Mỹ cũng như quan trọng đối với an ninh khu vực.
Lúc đó, Bắc Kinh phản ứng rằng biển Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của nước này. Đồng thời, Trung Quốc cảnh báo những nước liên quan đến tranh chấp không nên bị “kích động” nhờ vào sự chống lưng của Mỹ.
Laura Rosenberger, cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton – từng làm việc với bà tại Bộ Ngoại giao - nhận định rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục có những hành động cứng rắn đối với tình hình biển Đông.
Trong khi đó, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump được người dân Trung Quốc dành nhiều thiện cảm hơn dù ông có những phát ngôn gây tranh cãi, như cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ; ví von thâm hụt thương mại của Mỹ giống như “Bắc Kinh đang cưỡng hiếp Washington”.
Một quan chức quốc phòng Trung Quốc nói với Reuters rằng ông Trump có thể được Bắc Kinh “chiếu cố” trong bối cảnh họ đang chống lại các nhóm khủng bố ở khu vực Tân Cương có đông người Hồi giáo sinh sống.
Ngoài ra, Trung Quốc luôn xem ông Trump là một đối tác thương mại tiềm tàng, người mà họ có thể thương lượng. Cộng thêm việc ông Trump ít cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền hơn bà Clinton nên khả năng ông được người đại lục mở rộng vòng tay sẽ cao hơn.
Dù thế nào đi nữa, Trung Quốc đang kỳ vọng bất kỳ một trong hai người trở thành tổng thống Mỹ cũng phải hiểu rằng Bắc Kinh cần Washington và ngược lại, bởi đó là “một mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”, theo một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Bình luận (0)