Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã trở về căn cứ ở đảo Hải Nam hôm 1-1 sau 37 ngày thử nghiệm trên biển Đông. Một ngày sau, hải quân nước này tuyên bố chuyến đi thành công, đạt được mục tiêu thử nghiệm hệ thống chiến đấu lẫn đội hình tác chiến.
Liêu Ninh được phiên chế cho Hải quân Trung Quốc từ tháng 9-2012 nhưng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm trước khi có thể chính thức hoạt động. Chuyến đi trên biển Đông quan trọng vì đây là lần đầu tiên Liêu Ninh thử nghiệm đội hình chiến đấu. Dĩ nhiên, Mỹ không bỏ qua dịp “trọng đại” này.
Hải quân Mỹ đã điều chiến đấu cơ, vệ tinh và tàu ngầm để theo dõi nhất cử, nhất động của Liêu Ninh. Thu thập thông tin trên mặt biển được giao cho tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens. Sự theo dõi này bị “lộ” sau khi một tàu hộ tống của Liêu Ninh cố tình ngáng đường USS Cowpens hôm 5-12-2013.
Một báo cáo đăng trên website Strategy Page (Mỹ) nhận định: “Trong thời gian thử nghiệm, có một số ngày thời tiết xấu. Cách tàu Trung Quốc phản ứng trong điều kiện bất lợi sẽ chỉ ra khả năng chiến đấu của nó”.
Tuy nhiên, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc đang học theo cách bố trí đội hình nhóm tàu sân bay mà Mỹ đã vận dụng hơn 60 năm qua. Hiện một nhóm tàu sân bay của Mỹ bao gồm 3-4 tàu khu trục lớn, 1-2 tàu khu trục nhỏ, 1 tàu ngầm hạt nhân và 1 tàu hậu cần. Các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc còn ít và chưa tốt nên chưa được cho vào đội hình của Liêu Ninh lần này.
Tàu khu trục chủ lực của Mỹ là tàu lớp Burke với phiên bản mới nhất nặng 10.000 tấn. Thủy thủ đoàn ít hơn nhưng trang bị trên tàu lớp Burke ngày càng “nặng ký”. Đáng kể nhất là 90 ống phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng cùng với phần boong tàu chất được đủ loại tên lửa chống máy bay, chống hạm, chống tên lửa hay tên lửa hành trình. Ngoài ra, còn có pháo 127 mm, 2 pháo tự hành 20 mm cản được tên lửa, 6 ống phóng ngư lôi và 2 trực thăng.
Riêng về tàu hậu cần, Trung Quốc đang luân phiên sử dụng 4 tàu Type 903 đóng năm 2004 cho các nhiệm vụ quan trọng. Con tàu nặng 23.000 tấn này khá giống tàu hậu cần T-AKE mà Mỹ đang dùng nhưng nhỏ hơn (T-AKE nặng tới 40.000 tấn).
Trước đó, ngay sau khi hình ảnh của nhóm tàu Liêu Ninh trên biển Đông được công bố hôm 2-1, chính giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đã khẳng định 4 tàu hộ tống - China Daily liệt kê gồm 2 tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương và Thạch Gia Trang cùng 2 tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài và Duy Phường - không đủ sức bảo vệ Liêu Ninh. Kích thước nhỏ hơn, vũ khí ít hơn tàu cùng loại của nước ngoài chính là điểm yếu quá lớn của tàu khu trục Trung Quốc, theo giáo sư Li Li của Trường ĐH Quốc phòng PLA.
“Cảnh sát trưởng” ở biển Đông
Trung Quốc hôm 8-1 cho biết đã tăng cường lực lượng cảnh sát biển tại những vùng đang có tranh chấp với các nước láng giềng Đông Nam Á. Tạp chí The Diplomat nhận định với động thái trên, cùng với quy định đòi tàu cá nước ngoài xin phép khi hoạt động tại phần lớn biển Đông, Bắc Kinh đang tự coi mình là “cảnh sát trưởng” tại khu vực này. Trong khi đó, theo hãng tin AP, Trung Quốc có ý đồ muốn thế giới coi trọng những yêu sách chủ quyền của mình.
Giới phân tích ngay lập tức bày tỏ lo ngại căng thẳng ở biển Đông có thể leo thang. Ông Joseph Cheng, chuyên gia về chính trị của Trường ĐH Hồng Kông, nhận định: “Những kiểu khẳng định chủ quyền như thế (của Trung Quốc) sẽ tiếp tục bởi Chủ tịch Tập Cận Bình không cho phép bản thân bị đánh giá là mềm yếu”.
Phản ứng trước quy định đòi tàu cá nước ngoài xin phép, Bộ Ngoại giao Philippines hôm 9-1 cho biết đã yêu cầu đại sứ quán ở Bắc Kinh tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, một quan chức Philippines giấu tên nhận định với Reuters rằng quy định này là “quá đáng” và đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trong khi đó, chính quyền đảo Đài Loan tuyên bố không công nhận quy định này.
Hoàng Phương
Bình luận (0)