Trang The Washington Free Beacon hôm 8-11 cho biết hình ảnh được truyền hình nhà nước Trung Quốc đăng tải bao gồm 4 phương tiện vận chuyển hoặc tên lửa khác nhau. Cơ quan tình báo Mỹ tin rằng chúng là mô hình của các thiết bị tấn công siêu thanh, trong đó có thiết bị với bí danh DF-ZF.
Theo đó, Bắc Kinh đã tiến hành đợt thử nghiệm thiết bị bay siêu âm đầu tiên vào tháng 1-2014. Kể từ đó, 6 chuyến bay thử nghiệm khác đã diễn ra trong phạm vi "chương trình vũ khí ưu tiên cao".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận chuyến bay thử nghiệm đầu tiên diễn ra cách đây 4 năm. Tuy nhiên, bộ này tuyên bố: "Các cuộc thử nghiệm nghiên cứu khoa học được hoạch định của chúng tôi trong lãnh thổ Trung Quốc là điều bình thường. Những thử nghiệm này không nhắm đến bất kỳ quốc gia nào và không có bất kỳ mục đích cụ thể nào".
Hình ảnh thiết bị bay siêu thanh hình tam giác do truyền hình nhà nước Trung Quốc công bố hôm 8-10. Ảnh: CCTV
Trong khi đó, giới chức Washington phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng Bắc Kinh sử dụng thiết bị bay siêu thanh là để mang đầu đạn hạt nhân xuyên qua hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ trong tương lai.
Chẳng hạn, thiết bị DF-ZF có thể được phóng ở phía trên một tên lửa đạn đạo, sau đó lướt đến mục tiêu. Thiết bị này đạt vận tốc Mach 5 - Mach 10 (tương đương 6.100 km/h – 12.300 km/h). Tốc độ cao như vậy đòi hỏi vật liệu chế tạo đặc biệt cũng như khả năng chịu được nhiệt độ và áp lực cao.
Hệ thống thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh nằm ở thủ đô Bắc Kinh, cũng chính là đường hầm gió JF12 để thử nghiệm lực cản của không khí. Kỹ thuật viên Jiang Zonglin của Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) ca ngợi JF12 có thể so sánh với đường hầm gió của Mỹ, "đạt đến trình độ tiên tiến thế giới".
Theo kỹ thuật viên Jiang, các cuộc thử nghiệm tại JF12 được tiến hành 2 ngày 1 lần và đường hầm gió sẽ hoạt động hết công suất vào cuối năm nay. Một báo cáo tiết lộ Trung Quốc hy vọng sẽ đưa tốc độ của các phương tiện siêu thanh thế hệ mới vượt qua giới hạn Mach 5 hiện tại.
Lo ngại về chương trình thiết bị bay và tên lửa siêu thanh của Trung Quốc (và Nga), Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái đã thông qua dự luật yêu cầu cơ quan phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc đề ra một chương trình riêng biệt nhằm chống lại các mối đe dọa tên lửa.
Cuộc nghiên cứu do không quân Mỹ tài trợ hồi năm 2016 cũng cảnh báo Washington đang tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh. Tháng 5 vừa qua, một trang tin kỹ thuật tiếng Hoa cho biết Bắc Kinh đã đạt được bước đột phá trong việc phát triển động cơ phản lực cho tên lửa siêu thanh.
Bình luận (0)