Trang tin tức Asia Sentinel hôm 19-5 đăng bài viết trong đó nhận định Trung Quốc đã tính toán sai khi đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển của Việt Nam. Theo bài viết, một bước đi đơn phương như thế không chỉ khiến quan hệ với Việt Nam căng thẳng mà còn dẫn đến làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế và làm sống lại “mối đe dọa Trung Quốc” ở Đông Nam Á.
Mang tiếng là đưa giàn khoan đi khai thác dầu nhưng rõ ràng hành động này mang động cơ chính trị nhiều hơn là kinh tế. Theo chuyên gia Yenling Song của Công ty Platts Energy (Singapore), Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang trả khoảng 328.000 USD mỗi ngày để duy trì hoạt động của giàn khoan, trong khi khả năng nó tìm thấy dầu tại nơi đang hoạt động trái phép là không nhiều.
Lợi nhuận đã không là lý do thì nhiều khả năng Bắc Kinh muốn củng cố yêu sách chủ quyền trên biển Đông thông qua hành động này. Bắc Kinh đã sai nếu nghĩ thế bởi sẽ không có tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Một lý do khác là Trung Quốc có thể âm mưu gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN và cô lập Việt Nam. Bắc Kinh có lẽ hy vọng lặp lại thành công mà nước này đạt được tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hồi tháng 7-2012. Hội nghị này diễn ra sau khi Trung Quốc chiếm giữ thành công bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đã không có thông cáo chung nào về biển Đông được đưa ra do những bất đồng sâu sắc.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam (phải) ngăn chặn tàu Trung Quốc ở khu vực đặt giàn khoan trái phép
Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, điều này không tái diễn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Myanmar gần đây. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và hội nghị cấp cao sau đó đã lần lượt đưa ra tuyên bố chung chỉ trích những sự kiện ở biển Đông. Bài viết nhận định: “Nếu Trung Quốc hy vọng cô lập được Việt Nam và gây chia rẽ ASEAN thì nước này đã thất bại. Đối mặt với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biển Đông, ASEAN trở nên đoàn kết và lo ngại về những ý đồ của Trung Quốc hơn bao giờ hết”.
Bên cạnh đó, cũng có thể xem hành động nêu trên của Trung Quốc là nhằm gây sức ép lên Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN về vấn đề soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
ASEAN hy vọng COC có thể giúp ngăn chặn những tranh chấp trên biển nhưng Trung Quốc lại không hào hứng trong việc hoàn tất văn kiện này, khiến các cuộc đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ. Những diễn biến mới nhất ở biển Đông chắc chắn sẽ càng khiến ASEAN quyết tâm đòi hỏi một COC nghiêm ngặt. Một lần nữa, theo bài viết, bước đi giàn khoan lại có hại cho Trung Quốc về lâu dài.
Nói tóm lại, cho dù có ý đồ gì thì hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông hiện nay sẽ chỉ gây tổn hại cho nước này cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Các nước láng giềng sẽ ngày càng tức giận, lo lắng và xa lánh Trung Quốc, đồng thời có thêm lý do mới để hoan nghênh chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Bằng chứng là cả Malaysia và Indonesia đang công khai lo ngại về Trung Quốc ở biển Đông.
Tổng thống Philippines chỉ trích Bắc Kinh
Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 19-5 cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) khi cải tạo bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Theo quan điểm của tôi, những gì họ đang làm là vi phạm DOC. Vấn đề là bộ quy tắc không mang tính ràng buộc, không thể đem ra thi hành, vì vậy chúng ta cần có một bộ quy tắc ứng xử chính thức để giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa bất cứ xung đột tiềm tàng nào” - ông Aquino phát biểu với báo giới. DOC được Bắc Kinh và ASEAN ký vào năm 2002. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines đã công bố những hình ảnh cho thấy Trung Quốc cải tạo bãi Gạc Ma, nhiều khả năng đang xây dựng đường băng đầu tiên tại đây.
Cùng ngày 19-5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa kêu gọi các bên liên quan đến vấn đề biển Đông cần tăng cường đối thoại trước sức nóng của cuộc khủng hoảng. “Đối thoại không phải là một lựa chọn mà là một điều cần thiết” - ông Marty nhấn mạnh.
Theo AP, Philippines và Indonesia đạt được thỏa thuận về tranh chấp đường biên giới trên biển đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn tại biển Celebes và biển Mindanao cuối tuần trước sau 20 năm đàm phán.
Hải Ngọc
Bình luận (0)