Chính phủ Trung Quốc có thể bắt đầu trừng phạt kinh tế Hồng Kông nếu các cuộc biểu tình đòi cải cách bầu cử tiếp diễn.
Đóng băng du lịch
Lời cảnh báo đã được Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát đi hôm 1-10, theo đó kêu gọi người biểu tình hãy hành động vì “sự tăng trưởng tích cực” mà Hồng Kông có được kể từ khi trở về với Trung Quốc năm 1997.
Ngoài ra, tờ báo cũng cảnh báo ảnh hưởng tiêu cực “không thể lường trước” nếu phong trào Chiếm lĩnh Trung tâm “bất hợp pháp” tiếp tục gây rối trật tự xã hội, gây tổn hại đến đời sống kinh tế của Hồng Kông.
Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ ước tính làn sóng biểu tình đã gây ra thiệt hại ít nhất 500 triệu USD, tương đương khoảng 0,18% GDP Hồng Kông trong năm 2013.
Một người biểu tình nằm trước lối vào trụ sở chính quyền Hồng Kông hôm 2-10
Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Thụy Sĩ UBS lo ngại cho ngành bán lẻ và du lịch của Hồng Kông. Từ đại lục, Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc đã chỉ đạo doanh nghiệp lữ hành trong nước không tổ chức các đoàn du lịch đến Hồng Kông, chỉ những đoàn đặt lịch trước ngày 1-10 mới được phép tiếp tục.
Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khai thác du lịch Hồng Kông Tạ Cam Đình gọi động thái này là chưa từng có nhưng khách du lịch cá nhân dường như không bị ảnh hưởng.
Báo Want Daily (Đài Loan) hôm 2-10 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc đóng băng du lịch chỉ là bước đầu, kéo theo sau sẽ là làn sóng trừng phạt kinh tế Hồng Kông của Bắc Kinh, bao gồm những bước làm tê liệt thị trường tài chính thành phố này.
Nhà lập pháp Ngô Lượng Tinh lo ngại một trong những biện pháp đó là trì hoãn triển khai chương trình liên kết chứng khoán giữa Thượng Hải và Hồng Kông, dự kiến khởi động trong tháng 10.
Chờ biểu tình “tự giải tán”
Bất chấp cảnh báo trên, người biểu tình hôm 2-10 tiếp tục đòi Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức trước nửa đêm cùng ngày. Theo các nguồn tin trong nội bộ chính quyền đặc khu, ông Lương đang áp dụng chiến lược mới: Để biểu tình tiếp tục diễn ra cho đến khi những người tham gia đuối sức dần hoặc mất dần sự ủng hộ từ cộng đồng.
Báo The Australian dẫn một nguồn tin cho biết: “Bắc Kinh đã gửi thông điệp đến ông Lương rằng không thể châm ngòi mà phải ngăn chặn biểu tình theo cách hòa bình”. Một quan chức Hồng Kông cũng tiết lộ chính quyền chỉ can thiệp khi nào xảy ra tình trạng hỗn loạn.
Trên mặt trận đối ngoại, Trung Quốc tiếp tục thể hiện lập trường cương quyết bất chấp sức ép của cộng đồng quốc tế. “Vấn đề Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc. Tất cả các nước cần tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh” - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói thẳng với Ngoại trưởng John Kerry tại Washington hôm 1-10.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp sau đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nhấn mạnh với ông Vương rằng Tổng thống Barack Obama đang theo dõi sát cuộc biểu tình và hối thúc một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Hồng Kông.
Bình luận (0)