Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, ông Ngô Hiểu Huy, phó chỉ huy Cục Hải giám Trung Quốc (CMS) khẳng định: “Hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật đã đạt được mục đích thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư cũng như đảm bảo các lợi ích hàng hải quốc gia”.
Hạm đội Hoa Đông của Trung Quốc vừa tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông. Ảnh: CCTV
Ông này cũng tuyên bố CMS sẽ tăng cường tuần tra quanh các đảo tranh chấp trong thời gian tới. Được thành lập từ năm 1998, CMS hiện có 10.000 nhân viên với hơn 300 tàu và 9 máy bay giám sát. CMS bắt đầu nhiệm vụ tuần tra thường xuyên các vùng biển Trung Quốc từ năm 2006.
Hai đội tàu hải giám gồm 6 chiếc của Trung Quốc đã đến vùng biển quanh Điếu Ngư/Senkaku sáng 14-9 sau khi Bắc Kinh công bố các đường cơ sở và điểm cơ sở về lãnh hải đối với quần đảo tranh chấp này hôm 10-9.
Một phóng viên Tân Hoa Xã đi theo tàu hải giám cho biết có 3 tàu tuần tra Nhật và 3 trực thăng theo sát các tàu Trung Quốc và “tìm cách cản trở”. Hai bên đã cảnh báo lẫn nhau thông qua sóng radio.
Có lúc khoảng cách giữa tàu Trung Quốc và tàu Nhật chưa tới 0,5 hải lý (gần 1 km). Cuối cùng tàu Trung Quốc vào được cách Senkaku khoảng 1,5 hải lý trước khi rút đi toàn bộ.
Một nhà máy của Nhật ở Thanh Đảo bị đốt phá ngày 16-9. Ảnh: Kyodo
Cùng chung số phận là cửa hàng bán xe hơi, cũng ở Thanh Đảo. Ảnh: Kyodo
Đập phá nhà hàng Nhật ở Giang Tô ngày 15-9. Ảnh: Kyodo
Cảnh sát truy đuổi người biểu tình ở Thiểm Tây ngày 15-9. Ảnh: Kyodo
Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết biểu tình chống Nhật đã lan ra 85 thành phố ở Trung Quốc và xuất hiện nhiều vụ đập phá, hôi của. Các tòa nhà ngoại giao và cửa hàng Nhật bị ném đá. Còn BBC đưa tin nhà máy của hãng Panasonic tại Thanh Đảo phải ngừng hoạt động đến ngày 18-9 sau khi bị người biểu tình đập phá hôm 15-9.
Dự kiến, biểu tình sẽ dữ dội hơn vào ngày 18-9, ngày Trung Quốc kỷ niệm 81 năm "Sự kiện Mãn Châu" (Nhật thành lập nhà nước bù nhìn ở đông bắc Trung Quốc).
Bình luận (0)