Phát biểu trên của ông Long Yongtu, người từng dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đàm phán về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản ánh nỗi lo ngày càng tăng trong nước về nguy cơ Bắc Kinh bị cô lập về địa chính trị do tác động của đại dịch.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước theo chân Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong việc ứng phó dịch Covid-19, câu hỏi được quan tâm là liệu Washington và các đồng minh có tìm cách loại Bắc Kinh khỏi một trật tự kinh tế quốc tế mới hay không.
Một diễn biến như thế, nếu có, sẽ gây ra không ít thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị cho Trung Quốc trong những năm tới ngay cả khi Bắc Kinh tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh trong nước.
"Sau đại dịch, thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong thương mại, đầu tư cũng như chuỗi công nghiệp. Đại dịch đã gây tổn thất nặng nề đối với quá trình toàn cầu hóa" - ông Long nhận định, đồng thời thúc giục doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hoạt động ở nước ngoài nhanh và mạnh hơn nữa.
Một tàu chở hàng tại một cảng ở TP Vũ Hán - Trung Quốc hôm 9-5. Ảnh: Reuters
Sự lây lan nhanh của dịch Covid-19 trên thế giới đã làm gián đoạn nghiêm trọng các chuỗi cung ứng toàn cầu, bộc lộ sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào Trung Quốc đối với các mặt hàng quan trọng và làm dấy lên nỗi lo về làn sóng doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc. Xu hướng tháo chạy này đã bắt đầu sau khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra vào năm 2018.
"Chúng tôi có mọi lý do để nói rằng một liên minh toàn cầu đang được hình thành mà không có Trung Quốc và không sử dụng nhân dân tệ" - ông Li Yang, giám đốc Viện Quốc gia về Tài chính và Phát triển, nhận định tại diễn đàn nói trên.
Bên cạnh sức ép về kinh tế, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Úc và các quốc gia khác cũng gây sức ép địa chính trị lên Trung Quốc khi kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Long Yongtu. Ảnh: Reuters
Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ngụ ý rằng virus SARS-CoV-2 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán, nơi dịch bệnh khởi phát. Tuy nhiên, Trung Quốc và giới khoa học đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo dự đoán của các chuyên gia, quan hệ đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với Mỹ, sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng khi quốc hội Trung Quốc nhóm họp từ ngày 22-5 tới.
Ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhận định đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh xu hướng "chia tách" giữa Trung Quốc và Mỹ, cả về thương mại lẫn văn hóa.
Bình luận (0)