Ông Dương Khiết Trì nói rằng vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc được thế giới ủng hộ. Ảnh: AP
Ngoài ra, trong cuộc họp giữa hai chính trị gia ngày 29-11, ông Dương Khiết Trì còn tuyên bố Trung Quốc từ chối yêu cầu của Nhật Bản là hủy bỏ vùng nhận dạng phòng không do nước này tự lập nên.
Trong suốt cuộc họp với ông Gemba, ông Dương nhấn mạnh rằng quần đảo Trung Quốc gọi Điếu Ngư là một phần lãnh thổ của quốc gia này. Ngoài ra, đại diện Bắc Kinh cho rằng vùng nhận dạng phòng không nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia và được thành lập hoàn toàn phù hợp với các điều lệ của quốc tế đối với một nước độc lập.
Về phía Nhật Bản, ông Gem cũng khẳng định mạnh mẽ Tokyo không thể chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc về biển đảo và vùng phòng không vừa thành lập.
Cùng ngày 29-11, Nhật Bản đã đề nghị Tổ chức hàng không dân sự quốc tế (ICAO), một tổ chức của Liên Hiệp Quốc can thiệp nhằm giải quyết vấn đề vùng phòng không mà Trung Quốc tự lập ra trên biển Hoa Đông trong cuộc họp với tổ chức này.
ICAO là tổ chức hàng không của Liên Hiệp Quốc, được thành lập với mục đích thúc đẩy sự an toàn và trật tự trong lĩnh vực hàng không dân dụng toàn thế giới. Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Nhật nói rằng động thái của Trung Quốc có thể đe dọa trật tự, an toàn của hàng không dân dụng quốc tế. Cho đến nay, đề nghị hủy vùng phòng không đã được các nước lớn như Úc, Anh và Mỹ ủng hộ nhưng Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai.
Vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc
Ngày 30-11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera phát hiện "không có gì khác biệt" trong thời gian Trung Quốc tuyên bố đã điều chiến đấu cơ đối phó với các máy bay của quân đội Mỹ, Nhật trong vùng nhận dạng phòng không mới.
Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố đã huy động 2 chiến đấu cơ đến vùng nhận dạng phòng không mới thiết lập để đối phó với 2 máy bay do thám của Mỹ và 10 máy bay Nhật Bản hôm 29-11. Động thái này làm cho tình hình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc càng căng thẳng.
“Chúng tôi không nhận được những thông báo đặc biệt, kiểu như một chiến đấu cơ đột ngột đến gần. Điều quan trọng là cả hai bên phải giữ được bình tĩnh. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc đối phó với vấn đề này theo cách ứng xử thông thường của cộng đồng quốc tế”- Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tuyên bố nhằm phản pháo tin Bắc Kinh điều máy bay đến đối phó với Mỹ, Nhật.
Trong một diễn biến khác, theo khuyến cáo từ Washington, các phi công của ba hãng hàng không United Airlines, American Airlines và Delta Airlines sẽ tuân theo các quy định Trung Quốc đặt ra khi bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh thiết lập, đài CNN cho biết ngày 30-11.
Bình luận (0)