Lão nông Zhao Heping sống ở thị trấn Dapu, tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc phàn nàn cháu trai của mình bị nhiễm độc chì, sau đó được các quan chức địa phương gạ đổi sữa lấy bản xét nghiệm máu. “Uống sữa sẽ giúp trục xuất hết các chất độc ra ngoài cơ thể” - nhà chức trách dụ dỗ.
8 gia đình khác ở Dapu cũng gánh chịu hậu quả tương tự do chất độc hại thải ra từ 62.000 lò nung và nhà máy hóa chất nằm rải rác trong khu vực.
Bé gái Xu Yilin (2 tuổi, ở thị trấn Dapu) có nồng độ chì trong máu cao gấp 3 lần tiêu chuẩn an toàn. Ảnh: Reuters
Những đứa trẻ sau khi tiếp xúc với hàm lượng chì nồng độ cao trong không khí đã bị nhiễm độc. Lo sợ vụ việc bị phanh phui, các quan chức tỉnh Hồ Nam gạ cha mẹ các em đưa bản kết quả xét nghiệm máu để đổi lại sữa và thuốc. Nực cười ở chỗ các quan chức này khẳng định sữa sẽ giúp trục xuất hết chất độc ra khỏi đứa trẻ.
Cư dân Mao Baozhu (61 tuổi) đã cho 3 đứa cháu bị nhiễm độc chì uống sữa đều đặn nhưng vẫn chẳng có kết quả. "Không biết nhà chức trách có lừa chúng tôi để lấy cớ phân phối sữa hay không?" - ông Mao hoang mang.
Theo khảo sát của Viện Nhi khoa Bắc Kinh, 7,6 % những người tham gia khảo sát tại 15 thành phố lớn của Trung Quốc từ năm 2004-2008 có nồng độ chì vượt ngưỡng an toàn 100 microgram/lít. Trong khi đó, hơn 300 trẻ em ở thị trấn Dapu được phát hiện có nồng độ chì cao trong máu.
Li Wanming, một cư dân Dapu, nhận xét về vụ đổi sữa lấy kết quả xét nghiệm: “Họ (chính quyền địa phương) tát vào mặt bạn, sau đó cho bạn vài cây kẹo. Đó là cách bộ máy chính quyền hoạt động. Chủ yếu là để bịt miệng người dân và ngăn chặn sự thật tiết lộ ra bên ngoài”.
Những hành động che giấu tình trạng ô nhiễm môi trường của các quan chức tỉnh Hồ Nam một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên chiến với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng hồi đầu tháng 3.
Ô nhiễm môi trường cũng khiến nhiều ngôi làng ở nông thôn Trung Quốc bị ảnh hưởng khi tỉ lệ ung thư tăng vọt, nhiều “làng ung thư” đua nhau ra đời.
Bình luận (0)