SCMP dẫn một thông báo của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (Sasac) cho biết cơ quan này đã ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar sơ tán nhân viên liên quan tới các dự án đang bị tạm dừng.
Những nhân viên khác dự kiến rời khỏi Myanmar bao gồm những người đã hết hạn luân chuyển, chưa được tiêm phòng vắc-xin Covid-19, sống tại các khu vực hẻo lánh, đối mặt với tình huống nghiêm trọng tại địa phương...
Một nhân viên công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc làm việc cho một dự án cơ sở hạ tầng ở Myanmar xác nhận với SCMP rằng anh ta đã nhận được chỉ thị từ Sasac - cơ quan giám sát 90 doanh nghiệp nhà nước cấp quốc gia ở Trung Quốc.
"Chúng tôi nhận được chỉ thị vào cuối tuần trước sau khi một số nhà máy do Trung Quốc đầu tư bị tấn công. Trên thực tế, hầu hết dự án ở đây đang bị tạm dừng. Chúng tôi sẽ thảo luận ai là người ở lại để theo dõi diễn biến. Tôi nghĩ hầu hết chúng tôi sẽ về nhà" - nhân viên trên (giấu tên) chia sẻ.
Khói đen bốc lên từ khu công nghiệp ở thị trấn Hlaing Thar Yar, TP Yangon - Myanmar hôm 14-3. Ảnh: AP
Trong thông báo, Sasac cũng ra lệnh cho tất cả doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở Myanmar thực hiện diễn tập khẩn cấp, đảm bảo rằng họ có đủ phương tiện, nhiên liệu, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho một cuộc di tản.
Một nguồn tin thứ hai làm việc cho dự án thủy điện của Trung Quốc ở Myanmar cũng xác nhận ông đã nhận được chỉ thị và công ty đã đưa “những nhân viên không quan trọng” trở lại Trung Quốc.
"Tất cả ngân hàng đều đóng cửa. Chúng tôi phải tìm tiền mặt để mua đồ dùng. Chúng tôi phải dùng điện thoại bàn để liên lạc với đại sứ quán vì mạng di động liên tục bị cắt. Tình hình khá căng thẳng" - người này cho biết.
Một phát ngôn viên của Sasac từ chối bình luận về kế hoạch sơ tán do SCMP đăng tải. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 16-3 không bình luận việc liệu Bắc Kinh có kế hoạch sơ tán công dân khỏi Myanmar hay không.
Trước đó, hôm 14-3, các nhà máy do Trung Quốc đầu tư tại một khu công nghiệp ở TP Yangon - Myanmar bị đám đông vũ trang tấn công và phóng hoả, dẫn đến thiệt hại tài sản khoảng 240 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD). Ngoài ra, 2 công nhân Trung Quốc bị thương.
Các vụ tấn công này trùng với thời điểm quân đội Myanmar nổ súng vào người biểu tình, được cho là khiến 39 người thiệt mạng.
Bất chấp đổ máu, hàng trăm ngàn người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường mỗi ngày. Những người biểu tình cũng tập trung đông đảo bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở TP Yangon trong những tuần gần đây, kêu gọi Bắc Kinh lên án cuộc đảo chính. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố họ "không hay biết về cuộc đảo chính trước khi nó xảy ra và không ủng hộ chính quyền quân sự".
Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP, trụ sở tại Myanmar) hôm 16-3 cho biết hơn 180 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính đầu tháng 2. Trong đó, 74 người chết hôm 14-3 và 20 người khác thiệt mạng hôm 15-3.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lên án vụ bạo lực mới nhất ở Myanmar và thống kê ít nhất 138 người đã thiệt mạng kể từ hôm 1-2. Phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Stephane Dujarric, nói: "Con số này bao gồm 38 người thiệt mạng hôm 14-3 và 18 người hôm 13-3" mà không đề cập số người chết hôm 15-3.
Bình luận (0)