Hôm 2-9, Reuters đưa tin bà Lâm thừa nhận mình đã gây ra "sự tàn phá không thể tha thứ" bằng cách "thổi bùng cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông".
Tại cuộc họp kín nói trên, bà Lâm cho biết khả năng giải quyết khủng hoảng là rất hạn chế vì "tình trạng bất ổn đã trở thành vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ".
"Nếu được lựa chọn, điều đầu tiên là tôi sẽ từ chức và gửi lời xin lỗi sâu sắc" – bà Lâm phát biểu bằng tiếng Anh.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ảnh: Reuters
Trưởng đặc khu Hồng Kông cũng cho biết Bắc Kinh không đặt ra hạn chót để chấm dứt khủng hoảng trước lễ kỷ niệm Quốc khánh dự kiến vào ngày 1-10. Đồng thời, bà Lâm nói Trung Quốc "hoàn toàn không có kế hoạch triển khai Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) trên đường phố Hồng Kông".
Ba người tham dự cuộc họp kín xác nhận bà Lâm đưa ra những bình luận trên trong buổi nói chuyện kéo dài khoảng nửa giờ.
Trả lời Reuters, người phát ngôn của bà Lâm cho biết bà đã tham dự 2 sự kiện vào tuần trước, bao gồm một cuộc họp với các doanh nhân. Do cả 2 sự kiện đều mang tính riêng tư nên người này từ chối bình luận. Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau cùng Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng im lặng khi được Reuters liên lạc.
Theo Reuters, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang kêu gọi xử lý khủng hoảng ở Hồng Kông một cách hiệu quả. Chính phủ Trung Quốc gần đây bác bỏ đề nghị rút lại dự luật dẫn độ hoàn toàn của bà Lâm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này "ủng hộ, tôn trọng và thấu hiểu quyết định của bà Lâm" nhưng Thời báo Hoàn cầu tố cáo đó là "thông tin giả mạo".
Khi làn sóng biểu tình ở Hồng Kông leo thang, bà Lâm đã đình chỉ dự luật vào ngày 15-6. Vài tuần sau, vào ngày 9-7, bà tuyên bố dự luật "đã chết". Tuy nhiên, làn sóng biểu tình vẫn không chấm dứt vì các nhà hoạt động đòi mở cuộc điều tra về việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức và yêu cầu cải cách dân chủ. Nhiều người cũng kêu gọi chấm dứt sự can thiệp của Bắc Kinh đối với các vấn đề của Hồng Kông.
Bình luận (0)