Việt Nam hôm 7-6 được bầu để thay thế Kuwait đảm nhận vị trí ủy viên không thường trực, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) bắt đầu từ năm tới và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi các chính sách hòa bình và không phát triển vũ khí sau khi trải qua chiến tranh.
Báo Nhật Bản đưa tin Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ từ 192/193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc trong cuộc bỏ phiếu kín.
Theo báo Mainichi Shimbun, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nói sau cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York - Mỹ: "Việt Nam đã trải qua hàng chục năm chiến tranh, chúng tôi hy vọng có thể mang tới Hội đồng Bảo an những kinh nghiệm của Việt Nam, đất nước có thể tái thiết sau chiến tranh và giải quyết nhiều vấn đề khác sau cuộc chiến".
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc sau khi Việt Nam trúng cử. Ảnh: UN
Báo Mainichi Shimbun cho rằng để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu, Việt Nam đã tích cực hoạt động về những vấn đề chính như thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, vốn đưa quốc gia Đông Nam Á này lên bản đồ thế giới khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy nhân quyền, cùng các vấn đề khác.
Chỉ mới trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1977 nhưng Việt Nam từng là thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Là một thành viên của ASEAN, nhiệm kỳ của Việt Nam tại HĐBA cũng diễn ra đồng thời với thời điểm Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN từ năm 2020.
Trong khi đó, hãng tin AP đưa tin ngoài Việt Nam, 4 nước còn lại cũng đắc cử vị trí này gồm Niger, Tunisia, Estonia và quốc đảo Caribe St. Vincent & Grenadines.
Theo AP, các quốc gia thường lên kế hoạch trong nhiều năm để vận động cho vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Vị trí này có thể nâng cao vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế và quốc gia đó sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề cấp bách nhất liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới.
Bình luận (0)