Trong lúc nhiều cơ quan truyền thông đăng lại trang bìa số báo phát hành ngày 14-1 của Charlie Hebdo vì đó là “tin tức đáng đăng” hoặc để thể hiện “sự ủng hộ tự do ngôn luận”, cũng có nhiều tờ không đăng vì không muốn làm tổn thương gần 2 tỉ tín đồ Hồi giáo. Thậm chí, báo Star (Kenya) và Citizen (Nam Phi) phải xin lỗi vì đăng lại trang bìa trên và nhận lãnh cơn giận dữ của các độc giả theo đạo Hồi.
Đài CBC (Canada) dẫn lời nhiều nhân vật tiếng tăm, như tiểu thuyết gia người Anh Salman Rushdie, than phiền rằng nỗi sợ hãi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang khiến châu Âu nao núng trong cam kết bảo vệ tự do ngôn luận. “Bạn có thể không ưa Charlie Hebdo nhưng không thể cấm họ nói” - ông Rushdie nhận xét.
Người biểu tình ở Pakistan phản đối tuần báo Pháp hôm 16-1. Ảnh: EPA
Ngược lại, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu, điển hình là Giáo hoàng Francis, nhấn mạnh sự tôn trọng lẫn nhau là chìa khóa tồn tại cho các xã hội đa văn hóa. “Bạn không thể xúc phạm niềm tin của người khác. Bạn không thể đem niềm tin của người khác ra làm trò đùa” - Giáo hoàng nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Sri Lanka đến Philippines tuần này.
Hôm 16-1, đám tang của biên tập viên chủ chốt Stephane Charbonnier - đám tang cuối cùng trong số các nạn nhân tại Charlie Hebdo - đã được cử hành. Tuy nhiên, ông Henri Roussel - một trong những người đồng sáng lập Charlie Hebdo vào năm 1970 - tin rằng chính sự cố chấp của Charbonnier đã “kéo cả đội vào chỗ chết”. Năm 2011, tòa soạn Charlie Hebdo bị đốt rụi khi lần đầu đăng tranh biếm về nhà tiên tri Mohammed lên trang bìa. Vậy mà chỉ một năm sau, Charbonnier lặp lại điều này, mặc thế giới Hồi giáo sôi sùng sục và chính phủ Pháp phải căng sức đối phó.
Trong bài viết trên tạp chí Nouvel Obs tuần này, ông Roussel kể bạn mình là Georges Wolinski - một trong các họa sĩ thiệt mạng hôm 7-1 - cũng từng dè dặt. “Tôi nghĩ chúng ta thật ngu ngốc khi chọn lấy sự nguy hiểm không cần thiết (…). Trong nhiều năm, chúng ta xới tung mọi thứ và đến một ngày, tất cả quay lại đập thẳng vào mặt chúng ta” - ông Roussel viết.
Trong đám tang một họa sĩ của Charlie Hebdo hôm 15-1, Bộ trưởng Tư pháp Pháp Christiane Taubira nói: “Ở Pháp, bạn có thể vẽ mọi thứ, kể cả nhà tiên tri”. Nhưng có lẽ đúng như ý kiến của GS Jean-Michel Longneaux đến từ Trường ĐH Namur (Bỉ): “Có sự khác biệt giữa nội dung nói và cách nói”. Viết trên tờ L’Express (Pháp), GS Longneaux nhấn mạnh ông đồng tình với quyền tranh luận về mọi vấn đề nhưng cách “chế nhạo” của Charlie Hebdo lẽ ra phải có giới hạn.
Bình luận (0)