Dù vậy, thông báo trên giúp người ta thấy rõ Syria đang trở thành một mặt trận mới trong "cuộc chiến lâu dài" mà Mỹ dường như quyết tâm theo đuổi ở Trung Đông. Chỉ có điều việc Washington tiếp tục can dự vào nội chiến Syria sẽ chỉ góp phần làm gia tăng bất ổn và chủ nghĩa cực đoan, gây chia rẽ trong lòng NATO và khiến binh sĩ Mỹ đối mặt với các cuộc tấn công chết chóc.
Lực lượng Mỹ đến Syria với mục tiêu được công khai là đánh đuổi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhiệm vụ này đã hoàn thành và giờ là thời điểm lý tưởng để Mỹ tuyên bố chiến thắng và rời đi. Để biện hộ cho quyết định để binh sĩ Mỹ tiếp tục ở lại Syria, ông Tillerson cho rằng điều này cần thiết để bảo vệ Israel. Tuy nhiên, Israel có thừa sức mạnh để khống chế bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng mới nào tại biên giới với Syria.
Lực lượng Mỹ tại Syria Ảnh: REUTERS
Lập luận tiếp theo là sự hiện diện của Mỹ sẽ ngăn sự tái xuất hiện của những tổ chức như IS. Dù vậy, chính việc để Syria rơi vào cảnh nghèo khổ, chia rẽ và xung đột sẽ tạo ra sự tuyệt vọng có thể đẩy giới trẻ đến gần các nhóm vũ trang hơn. Mục tiêu quan trọng hơn cả của chính sách mới này, như ông Tillerson nói rõ, là "đánh bật ảnh hưởng độc hại của Iran" và ngăn Tehran đẩy mạnh tham vọng thống trị Trung Đông. Thực tế cho thấy mức độ ảnh hưởng của Iran tại khu vực trong 10-20 năm tới không gây hậu quả đáng kể gì cho nước Mỹ.
Chính sách Trung Đông của Mỹ lẽ ra nên nhằm thúc đẩy sự ổn định. Thay vào đó, Washington đang đi theo hướng ngược lại: Gây bất ổn ở Syria và Iran với hy vọng mơ hồ rằng họ có thể lật đổ những chế độ không ưa thích và thay thế bằng những chính phủ chịu nghe lời. Thay vì tìm cách thoát khỏi những cuộc xung đột này, Mỹ lại viện đến những lý do để lún sâu hơn.
Bình luận (0)