Lên chuyến phà tới hòn đảo nhà tù Bastoy (Na Uy) trong một buổi sáng lạnh giá tháng 6, cánh phóng viên không khỏi sửng sốt khi phát hiện 2 người đàn ông chở phà thân tình mời họ tách cà phê ấm nóng lại là những tù nhân.
Xem tù nhân như người trưởng thành
Một người đang thụ án 14 năm tù vì tội mưu sát, người còn lại lãnh án 9 năm vì ma túy và bạo lực. Không thấy ai canh chừng 2 tù nhân này cả, khách đi phà còn nhầm tưởng họ là nhân viên của công ty địa phương. Hớ hênh đến thế là cùng, vượt ngục rõ ràng nằm trong tầm tay. Thế nhưng, không ai trong số họ bỏ trốn. Cũng hiếm thấy tù nhân trốn khỏi Bastoy.
Hẳn không ít người đã biết tới Bastoy được mệnh danh là "nhà tù tử tế nhất thế giới" nhưng thực sự vẫn còn nhiều điều chắc hẳn vượt ngoài sự tưởng tượng. Tù nhân đi lại tùy thích trên đảo, trượt tuyết thỏa thích vào mùa đông và thảnh thơi câu cá khi hè về. Những người ngăn nắp, sạch sẽ thì lâu lâu còn được thưởng những chuyến chơi biển.
Tuy nhiên, điều "bất thường" nhất của Bastoy là nhà tù này không chỉ đối xử với tù nhân như những con người mà còn coi họ là người trưởng thành.
Một tù nhân cầm cưa ngay trước mặt nữ quản tù trên đảo Bastoy. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Các nhà tù khác trên thế giới đều tìm cách để tù nhân tránh xa các vật dụng kim loại bởi dù chỉ là một cây kim nhỏ xíu cũng có thể bị biến thành vũ khí. Trong khi đó, tù nhân Bastoy có thể đi tới đi lui với những cây búa, rìu và thậm chí cả cưa xích. Họ chặt cây để làm đồ nội thất, trồng rau và nuôi bò.
Tất nhiên, không phải cứ nhận bản án xong là tù nhân được tới ngay Bastoy. Họ phải trải qua giai đoạn bị nhốt giam thông thường và chỉ được chuyển tới hòn đảo nhà tù "thiên đường" này khi thuyết phục được giới chức trách rằng mình thực sự muốn cải tạo.
Nhốt lâu chỉ gây tốn kém
Theo tạp chí The Economist, tận mắt chứng kiến không khí ở Bastoy có thể là cú sốc với những người đến từ xứ sở cờ hoa. Đâu rồi hàng rào điện? Quản tù không có súng sao? Nếu đến một nhà tù ở Indian Springs, bang Nevada - Mỹ, phóng viên sẽ được dặn kỹ không được mặc áo màu xanh vì có thể lẫn với màu áo tù dẫn tới những rắc rối nguy hiểm.
Có lẽ nhờ hướng đi này mà Na Uy hiện có tỉ lệ tái phạm thấp nhất ở vùng Scandinavia: 2 năm sau khi ra tù, chỉ 20% tù nhân tái phạm. Trong khi đó, ở đất nước phát triển nhốt giam tù nhân nhiều nhất thế giới như Mỹ, một nghiên cứu trên 29 bang cho thấy tỉ lệ tái phạm gần gấp đôi của Na Uy.
Xã hội ngày càng tiến bộ và nhà tù được cho là cũng đã có phần cải thiện hơn trong những thập kỷ gần đây. Dù vậy, nhiều nhà tù trên thế giới vẫn chưa tỏ ra hiệu quả trong sứ mệnh hạn chế tội phạm và giảm thiểu nguy hại cho xã hội. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Douglas Hurd từng nhận định rằng: "Nhà tù là một phương cách tốn kém để khiến người xấu trở nên tồi tệ hơn".
Nhận định có vẻ chua chát nhưng không thể phủ nhận rằng khó có thể mong đợi phần tốt đẹp của tù nhân sẽ thức giấc sau khi bị nhốt trong những nhà tù "địa ngục", như ở Syria hoặc phổ biến hơn là tình trạng nhà tù bị băng đảng chi phối dẫn tới những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực đẫm máu, như ở Brazil.
Phần nhiều các nhà tù trên thế giới ngày nay đều quá tải. Hiện nhà chức trách Mỹ có xu hướng khoan hồng nhiều hơn. Một số tiểu bang đã cố gắng tìm các lựa chọn khác để giam giữ tội phạm không bạo lực, một phần để tiết kiệm tiền và một phần vì họ đi đến kết luận rằng giam quá nhiều người trong một thời gian quá lâu không làm cho xã hội an toàn hơn.
Được giải thoát
Cách nhà tù Bastoy xử sự với một tù nhân tên Tore có thể coi là bài học đáng suy ngẫm. Người này chôn vùi những năm 20 tuổi trong say xỉn, tiệc tùng và buôn bán ma túy. Một ngày khi đang "phê thuốc" và không ngủ suốt 3 ngày, y điên cuồng tấn công 2 người bạn bằng dao chỉ để cướp vài bộ quần áo đắt tiền. Bị bắt, Tore vẫn tiếp tục dính vào các vụ gây gổ khác trong lúc đợi ra tòa.
Trong vài năm đầu tiên thụ bản án 14 năm tù, hắn lúc nào cũng cáu giận và đổ lỗi cho người khác về tội lỗi của mình. Thế nhưng, bước ngoặt xảy ra khi Tore được dự một khóa tư vấn từ một cựu nữ tù từng trải qua một cuộc đời tương tự. Sau vài tháng, những chia sẻ chân thành của người đồng cảnh ngộ đã thuyết phục được gã tù nhân cứng đầu từ bỏ rượu và suy nghĩ lại về những hành động của mình. "Nó giống như mình được giải thoát" - Tore trải lòng.
Tại Bastoy, Tore được học nghề mộc và dự định sẽ mở một tiệm làm đồ gỗ sau khi được ân xá vào năm 2020. Các tù nhân ở Bastoy đều có thể bắt đầu đi làm bên ngoài nhà tù 18 tháng trước khi họ được thả chính thức.
Bình luận (0)