Theo ông Abdullah Sharif, cựu quan chức ngoại giao Afghanistan, từ năm 2006, gần như là một quy luật, Taliban giảm dần những cuộc tấn công lực lượng chính phủ Afghanistan và đồng minh phương Tây NATO vào mùa đông do thời tiết quá khắc nghiệt, để rồi hoạt động rất mạnh vào mùa xuân.
Taliban ngày càng manh động
Cũng theo thông lệ, mùa xuân năm nào, Taliban cũng tuyên bố mở những chiến dịch tấn công lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (FNSA) và NATO có tên hẳn hoi như Omari, Azam… Thế nhưng năm nay, mùa xuân đã kết thúc hơn tháng rồi mà Taliban vẫn im hơi lặng tiếng. Sự im lặng đáng sợ của Taliban khiến chính quyền Kabul và lực lượng đồng minh e rằng 2017 sẽ là một năm đầy biến cố.
Chế tác ngọc lưu ly (lapis lazuli) - loại đá quý hầu như chỉ có ở Afghanistan - tại một cơ sở thuộc thủ đô Kabul. Hằng năm, Taliban kiếm được 20 triệu USD nhờ khai thác và kinh doanh loại đá quý này Ảnh: AP
Ngay sau khi Tổng thống (TT) Mỹ Donal Trump ra lệnh ném siêu bom MOAB vào sào huyệt IS-K - chi nhánh của IS tại Afghanistan và Pakistan, Taliban cũng không nói gì. Đây là hiện tượng “bình yên trước giông bão”, theo nhận định của ông Sharif.
Thật vậy, năm nay, Taliban đã thay đổi chiến thuật: Đánh không cần tuyên truyền trước. Đêm 21-4, tức 10 ngày sau khi Mỹ gây cơn địa chấn nhỏ với siêu bom GBU-43/B - tức MOAB - nhắm vào IS-K, Taliban tấn công một doanh trại quân đội của Quân đoàn 209 chính phủ ở huyện Dihdadi, tỉnh Bakh thuộc miền Bắc Afghanistan.
Phiến quân Taliban mặc quân phục Afghanistan đi trên 2 chiếc quân xa bất ngờ xông vào nhà thờ Hồi giáo trong doanh trại nổ súng và kích nổ đai bom mang trong người. Lúc này, đông đảo quân nhân Afghanistan đang đi lễ cầu nguyện.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan nói có 8 quân nhân chết và 11 người bị thương. Tuy nhiên, hãng thông tấn Mỹ AP dẫn nguồn tin của Quân đoàn 209 cho biết có đến 130 người chết và 80 người bị thương.
Ngoại giao lithium
2016 được xem là một năm vô cùng bất ổn ở Afghanistan, dù có mặt lực lượng chống khủng bố bao gồm 13.300 quân NATO, trong đó quân Mỹ chiếm 8.400 người. Trước sự manh động của Taliban, mối đe dọa trực tiếp nguy hiểm nhất - chứ không phải IS-K, chính quyền Kabul hết sức nóng ruột vì TT Trump cho tới bây giờ vẫn chưa định hình chính sách quân sự đối với Afghanistan. Mỹ tiếp tục rút bớt hay đổ thêm quân?
Ai cũng biết, trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump hướng nội rất mạnh. Ưu tiên số 1 của ông là nước Mỹ. Ông chỉ trích những người tiền nhiệm của mình kéo quá dài sự can dự của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan.
Dưới mắt Kabul, thái độ của ông Trump rất không minh bạch về vấn đề Afghanistan. Một mặt, TT Mỹ hoan hô cuộc ném bom vào sào huyệt IS-K bằng MOAB mà ông miêu tả là “một phi vụ rất, rất thành công”. Mặt khác, ông Trump lại từ chối trả lời câu hỏi có phải ông ký lệnh ném quả bom đó không. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói đó là lệnh của chỉ huy trưởng quân đội Mỹ ở Afghanistan nhưng thông thường, vị này phải xin lệnh của Nhà Trắng trước khi quyết định.
TT Afghanistan, ông Ashraf Ghani, tháng 12-2016 có một cuộc trao đổi qua điện thoại với TT Trump và đã đề cập lithium. Ông Ghani hy vọng kim loại quý hiếm dùng rộng rãi trong công nghệ pin điện thoại di động và máy tính xách tay này sẽ thu hút sự quan tâm của TT Mỹ. Không chỉ lithium, Afghanistan còn có than đá, đồng, kẽm, thủy ngân, quặng sắt, đất hiếm, vàng, bạc, đá quý… với trữ lượng rất lớn chưa khai thác. Các nhà phân tích chính trị ở Kabul gọi đây là “ngoại giao lithium” nhưng hình như nó không thể thành công tại thời điểm hiện nay.
Không giống một số tướng lĩnh Mỹ muốn Washington đưa thêm quân vào Afghanistan, TT Trump có mối quan tâm khác. Đó là vấn đề an ninh mà ông đặt nặng trong cuộc điện đàm lần thứ hai với TT Ghani hồi tháng 2 vừa qua. Ngoài ra, còn có vấn đề kinh tế không bền vững, tệ nạn tham nhũng…
Không có an ninh, ai dám đầu tư khai thác các mỏ khoáng sản? Mỏ lithium quý hiếm nằm trong 3 khu vực là tỉnh Ghaniz ở phía Đông và 2 tỉnh Herat, Nimroz ở phía Tây Afghanistan. Tuy nhiên, Herat và Nimroz là bãi chiến trường nóng nhất hiện nay giữa Taliban với quân đội chính phủ, còn Ghaniz nằm trong tầm kiểm soát của Taliban. Phần lớn các mỏ đá quý nếu không do Taliban khai thác và kinh doanh kiếm hàng triệu USD thì thuộc quyền sở hữu của những tư lệnh vùng thuộc chính phủ.
Vấn đề Afghanistan càng trở nên khó hiểu và phức tạp, không biết giải quyết bằng cách nào vì Kabul hầu như bất lực trong việc thực hiện lời hứa cải cách kinh tế theo hướng phát triển kinh tế tư nhân và chống tham nhũng. Chưa kể, Nga và Iran đang tìm cách hất cẳng Mỹ khỏi Afghanistan với lá bài Taliban hay Pakistan tiếp tục hậu thuẫn cho Taliban. Sau cùng là nội bộ mất đoàn kết, các phe phái đấu đá nhau không khoan nhượng.
“Vô cùng tàn ác”
Bình luận về việc Mỹ tấn công IS-K bằng siêu bom MOAB ở huyện Achin, tỉnh Nangarhar, cựu TT Afghanistan, ông Hamid Karzai, lên án Mỹ sử dụng quê hương ông để thử vũ khí mới. Ông gọi cuộc tấn công mà Mỹ cho rằng chống tổ chức khủng bố IS là “một hành động vô cùng tàn ác đối với nhân dân Afghanistan”. Ông Karzai cũng tố cáo TT Ghani phản quốc vì cho phép Mỹ hành động như vậy. Vị cựu TT viết trên mạng Twitter: “Tôi cực lực lên án việc ném bom của Mỹ. Đó không phải là cuộc chiến chống khủng bố mà là sử dụng thô bạo, vô nhân đạo đất nước chúng tôi để thử vũ khí mới và nguy hiểm. Đã đến lúc chúng ta, những người Afghanistan, ngăn chặn Mỹ (ở Afghanistan)”.
Dù chính quyền tỉnh Nagarhar khẳng định 94 lính IS-K bị tiêu diệt và không có thường dân nào thương vong trong vụ ném bom “khủng” này song báo chí phương Tây dẫn lời người dân bản địa nói ngược lại. Tờ The Guardian (Anh) dẫn lời ông Esmatullah Shinwari, đại biểu quốc hội đại diện tỉnh Nangarhar, cho biết thầy giáo và con trai ông ở gần nơi bị ném bom đã thiệt mạng. Tờ The New York Times (Mỹ) dẫn lời một người dân bản địa nói có 4 căn nhà ở khu vực Pekhe, cách nơi bị ném bom 4,8 km, bị sập hoàn toàn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-4
Bình luận (0)