Trước tình hình này, kênh truyền hình Channel NewsAsia (Singapore) đặt ra câu hỏi liệu các giải pháp đưa ra có quá ít, quá muộn màng hay không?
Channel NewsAsia mở đầu bài viết đăng tải ngày 12-3 với hình ảnh 2 chị em bà Chau Chung Muoi (70 tuổi) và Dao Muoi (61 tuổi) lúi húi chuẩn bị, rồi đẩy chiếc xe với đủ món ăn chơi, nào là chè đậu đỏ, bánh chuối, sữa đậu phộng... xuống phố. Hai cụ bà này sẽ kiếm được từ 100.000-200.000 đồng nếu bán hết hàng.
Đó là cách họ mưu sinh mấy chục năm qua và chắc sẽ tiếp tục cho đến cuối đời. “Tôi cũng nghĩ về chuyện nghỉ bán nhưng nếu không bán, tôi kiếm đâu ra tiền để sống?” - bà Dao Muoi nói.
Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ những năm 1990, Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Thế nhưng, không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự phát triển này, trong đó có người cao tuổi sống trong cảnh nghèo khó.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, khoảng 40% người trong độ tuổi từ 70-74 vẫn làm việc kiếm sống ở Việt Nam. Ngoài ra, trong số những người lớn tuổi đang làm việc tại các đô thị, 70% làm những công việc như bán rong, thu gom rác, bán phế liệu...
Những công việc như thế không kiếm được bao nhiêu, lại không ổn định khiến họ khó thoát khỏi cảnh khó khăn và không thể dành dụm tiền. “Bữa nào kiếm được tiền, chúng tôi ráng tiết kiệm để những ngày không thể đi bán vẫn có cái ăn” - bà Dao Muoi kể. Hai chị em bà Dao Muoi còn lo lắng cho sức khỏe bản thân bởi họ đều bị bệnh tim, cao huyết áp, đau khớp và nhiều bệnh khác.
Dân số Việt Nam còn tương đối trẻ - chỉ 10% trên 60 tuổi - nhưng lại đang già đi nhanh chóng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đến năm 2030, gần 20% dân số sẽ bước vào độ tuổi già. Và tới năm 2050, tỉ lệ này có thể tăng lên 30%. Khi đó, tuổi thọ người Việt Nam có khả năng tăng lên 80, so với 73 như hiện nay.
Khoảng 11% dân số Việt Nam đang sống trong cảnh nghèo. Chuẩn nghèo tại khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng. Dù vậy, các nhà phân tích cho thấy phạm vi đói nghèo thực sự có thể nghiêm trọng hơn vì nhiều người sống ngay trên ngưỡng này.
Thực tế là nhà nước có hỗ trợ người nghèo lớn tuổi, như chương trình trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chỉ khoảng 20% người đủ điều kiện hưởng loại trợ cấp này, tức phải trên 80 tuổi hoặc cần phải chính thức được xác nhận là người nghèo nếu trong độ tuổi từ 60-79.
Hai cụ bà Chau Chung Muoi và Dao Muoi rơi vào diện thứ hai và nhận được trợ cấp khoảng 300.000/tháng, được xem là quá thấp nếu so với tiêu chuẩn sống tối thiểu. May mắn là hai cụ sống trong nhà do cha mẹ để lại nên không phải lo lắng về tiền thuê chỗ trú ngụ.
Bình luận (0)