Tướng Gilbert Gapay ngày 13-10 nói rằng tình hình biển Đông "vẫn còn nhiều biến động và không chắc chắn". Điều này hoàn toàn khác với phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana một ngày trước đó.
Tại sự kiện ngày 13-10 do Hiệp hội Phóng viên nước ngoài ở Philippines (Focap) tổ chức, ông Gilbert Gapay nhấn mạnh: "Chúng tôi ghi nhận những hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông và triển khai tàu chiến ở đó. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có mặt ở vùng biển này bên cạnh lực lượng dân quân biển của họ".
Trả lời các câu hỏi về sự biến động ở biển Đông, ông Gilbert Gapay nói thêm rằng tình hình "trở nên căng thẳng hơn" vì Trung Quốc đang tiến hành nhiều hoạt động hơn, thậm chí gần đây đã phóng tên lửa ra biển Đông. Cụ thể rạng sáng 28-8, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo từ đất liền ra khu vực tập trận ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 24-8 tới 29-8.
Tướng Gilbert Gapay ngày 13-10 nói rằng tình hình biển Đông "vẫn còn nhiều biến động và không chắc chắn". Ảnh: Inquirer
Phía Washington vẫn tiếp tục các cuộc tuần tra nhằm duy trì tự do hàng hải và thương mại ở biển Đông. Ông Gilbert Gapay nói: "Chúng ta vẫn cần ngăn chặn các hành động thù địch bắt đầu ở biển Đông vì đó thực sự là một điểm nóng tiềm tàng".
Phát ngôn của Tướng Gilbert Gapay trái ngược với nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tại một cuộc điều trần về ngân sách vào ngày 12-10. Khi đó Bộ trưởng Lorenzana cho rằng tình hình ở biển Đông "ổn định" và "có thể kiểm soát được".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước châu Á tiếp tục "cảnh giác" trước nguy cơ chiến lược của Mỹ gây ra cạnh tranh địa chính trị ở biển Đông và các lĩnh vực khác trong khu vực.
Tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh và các nước thành viên ASEAN nên hợp tác với nhau để loại bỏ "sự can thiệp từ bên ngoài" ở biển Đông".
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước châu Á tiếp tục "cảnh giác" trước nguy cơ chiến lược của Mỹ gây ra cạnh tranh địa chính trị ở biển Đông và các khu vực khác trong khu vực. Ảnh: Reuters
Ông Vương Nghị nói chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của Washington, trong đó Mỹ trở thành một đối tác đáng tin cậy trong khu vực, là một "nguy cơ an ninh" đối với Đông Á.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết các tranh chấp trên biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại khu vực.
Về phần Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Washington muốn một châu Á "tự do và cởi mở", không bị chi phối bởi bất kỳ quốc gia nào.
Bình luận (0)