Trong thông cáo báo chí chung với Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Dan Tehan cho biết: "Chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất rượu vang Úc 1 cách mạnh mẽ bằng cách sử dụng hệ thống đã được thiết lập trong WTO để giải quyết những khác biệt".
Dù vậy, Canberra khẳng định vẫn sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh bất chấp đơn khiếu nại. "Úc vẫn cởi mở trong việc hợp tác trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này" - trích thông cáo của ông Tehan và ông Littleproud.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc, vốn đã đi xuống sau khi Úc cấm Huawei tham gia mạng băng thông rộng 5G mới ra đời vào năm 2018, ngày càng tồi tệ kể từ khi Canberra kêu gọi 1 cuộc điều tra độc lập về đại dịch Covid-19, vốn bùng phát lần đầu ở Trung Quốc vào năm 2020.
Úc đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá với rượu vang xuất khẩu của Úc. Ảnh: Reuters
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, đã đáp trả bằng cách áp thuế lên các mặt hàng của Úc như rượu vang và lúa mạch, hạn chế nhập khẩu thịt bò, than và nho từ Úc. Mỹ gọi các động thái này là "cưỡng ép kinh tế".
Vào năm 2020, Úc đã đưa ra kháng nghị chính thức lên WTO để yêu cầu xem xét lại quyết định của Trung Quốc về việc áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với lúa mạch của Úc. Trước đó, Chính phủ Úc cho biết thuế rượu vang đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần, khiến thị trường Trung Quốc trở nên không khả thi đối với các nhà xuất khẩu.
Từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2021, các nhà sản xuất rượu vang ở Úc chỉ xuất khẩu được 9 triệu USD rượu vang sang Trung Quốc, giảm mạnh so với 243 triệu USD của 1 năm trước. Điều này cho thấy mức thuế khổng lồ đã xóa sổ thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ.
Vào đầu tháng 6-2021, Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi WTO giải quyết tình trạng bế tắc giữa hai nước. Vài ngày sau, ông nhận được sự ủng hộ của G7 về việc có lập trường cứng rắn hơn để chống lại sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với thương mại toàn cầu.
Bình luận (0)