Theo hãng tin Reuters hôm 13-3, tuyên bố trên rõ ràng là sự thúc đẩy những nỗ lực của Úc xây dựng liên minh chống lại những hành động hung hăng của Trung Quốc.
Trong bản thảo bài phát biểu tại hội nghị đặc biệt ASEAN - Úc dự kiến diễn ra vào ngày 16-3 tại TP Sydney, bà Bishop không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng cho rằng luật pháp quốc tế sẽ giúp ổn định khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop sẽ kêu gọi đề cao vai trò luật quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp trong khu vực. Ảnh: Reuters
Trong bài phát biểu bị rò rỉ trên báo Australian Financial Review, nữ bộ trưởng sẽ nói rằng: "Trật tự dựa trên luật lệ được thiết lập để điều chỉnh hành vi và sự ganh đua giữa các quốc gia, đồng thời đảm bảo các nước cạnh tranh công bằng và không đe dọa các nước khác hoặc gây bất ổn cho khu vực cũng như thế giới. Luật quốc tế đặt ra những giới hạn để các quốc gia sử dụng kinh tế hoặc sức mạnh quân sự mà không thể áp đặt các thỏa thuận bất công đối với các quốc gia ít quyền lực hơn".
Úc từ lâu duy trì quan điểm trung lập trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông để bảo vệ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhưng giữa lúc mối quan hệ hai bên đang có dấu hiệu căng thẳng trong những tháng gần đây thì bình luận của bà Bishop cho thấy chiến thuật mới của Úc.
Ông Nick Bisley, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH La Trobe ở TP Melbourne (Úc), nhận định: "Úc đang cố thuyết phục ASEAN chấp nhận quan điểm Trung Quốc là nước phá vỡ quy tắc. Nếu ASEAN ủng hộ điều này, Úc sẽ củng cố đáng kể vị thế của mình".
Trong khi đó, Nhật Bản đang tăng cường hiện diện quân sự và ngoại giao của nước này ở Đông Nam Á bằng cách gửi thêm một tùy viên quốc phòng đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Kuala Lumpur - Malaysia.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận thông tin này nhưng từ chối giải thích lý do Nhật Bản tăng cường gửi cố vấn quân sự cũng như nâng cao khả năng thu thập thông tin tình báo ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quan chức này cho hay tùy viên này sẽ không có bất kỳ trách nhiệm nào về an ninh của các đại sứ quán Nhật ở những quốc gia này.
Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản cho hay các cố vấn quân sự có nhiệm vụ trao đổi sâu rộng với các quốc gia trong khu vực, thu thập và phân tích thông tin tình báo, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc phòng.
Bên cạnh việc gửi thêm tùy viên quốc phòng cho các quốc gia đối tác, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn nỗ lực thu thập và phân tích dữ liệu trong khi hỗ trợ các nước láng giềng tăng cường phòng thủ, trong đó có tập trận chung.
Động thái này được xem là một lựa chọn khác của Tokyo nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng gia tăng của quân đội Bắc Kinh trong khu vực. Nhật Bản cũng hỗ trợ các nước đồng minh bằng tàu tuần tra và máy bay. Tokyo dự kiến cung cấp cho Philippines 3 máy bay huấn luyện TC-90 để giúp Manila cải tiến khả năng giám sát hàng hải của mình ở biển Đông.
Bình luận (0)