Dự luật mà chính phủ Úc và Google đang tranh cãi được đưa ra vào năm ngoái và dự kiến có hiệu lực trong năm nay, trong đó yêu cầu các công ty công nghệ khổng lồ như Google và Facebook trả phí để những công ty báo chí địa phương cung cấp nội dung cho các công cụ tìm kiếm cũng như chia sẻ lên mạng xã hội. Nếu không tuân thủ, các đại gia công nghệ có thể bị phạt hàng triệu USD. Theo Tập đoàn Truyền thông ABC của Úc, nước này cũng đưa các nền tảng phổ biến như YouTube và Instagram vào diện điều chỉnh của dự luật.
Trước đó, cùng ngày 22-1, Giám đốc điều hành của Google tại Úc và New Zealand, bà Mel Silva, đã ra điều trần tại Thượng viện Úc và khẳng định nếu dự luật không được chỉnh sửa thì "kịch bản tệ nhất" sẽ xảy ra và Google "không còn cách nào khác ngoài chặn người dùng Úc truy cập công cụ tìm kiếm của hãng".
Google đang vướng vào tranh cãi với chính phủ Úc Ảnh: ABC
Theo bà Silva, Google sẵn lòng thương lượng với các công ty truyền thông và đã đạt được khoảng 450 thỏa thuận như vậy khắp thế giới. Tuy nhiên, những điều khoản trong dự luật của Úc khiến Google "không thể đàm phán", theo ABC. Chỉ vài giờ trước khi đe dọa như trên, Google đã đạt thỏa thuận trả phí cho một số công ty truyền thông Pháp trong kế hoạch trị giá 1,3 tỉ USD kéo dài 3 năm.
Vụ việc tại Úc thu hút sự chú ý trong bối cảnh chính phủ nhiều nước muốn khống chế quyền lực của các đại gia công nghệ. Truyền thông thế giới ngày càng thất thế trong lĩnh vực kinh tế số khi doanh thu quảng cáo phần lớn chảy vào túi các nền tảng số khổng lồ. Một cuộc thống kê tại Úc cho thấy cứ 100 USD chi cho quảng cáo trực tuyến thì 53 USD thuộc về Google và 28 USD vào tay Facebook.
Cũng ra điều trần cùng Google, ông Simon Milner, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công của Facebook, liệt kê một số vướng mắc khi dự luật mới buộc họ phải đạt thỏa thuận thương mại với từng cơ quan truyền thông Úc, đàm phán giá phải thông qua quy chế trọng tài phân xử… Trước đây, Facebook cũng dọa không cho người Úc đăng tải tin tức lên nền tảng của họ.
Bình luận (0)