Hải quân Trung Quốc và Campuchia vừa tiến hành tập trận chung lần đầu tiên hôm 24 và 25-2, trong bối cảnh những hành động sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông gây quan ngại mạnh mẽ.
Trung Quốc bắt tay Campuchia
Ba tàu chiến Trung Quốc cập cảng Sihanoukville ở tỉnh Preah Sihanouk - Campuchia hôm 22-2 trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Đây cũng là lần đầu tàu chiến Trung Quốc cập cảng quốc gia Đông Nam Á này. Hai lần trước, Bắc Kinh chỉ điều tàu làm nhiệm vụ huấn luyện (năm 2008) và tàu bệnh viện Peace Ark (năm 2013) tới đây.
Phó Đô đốc Vann Bunneang, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia, cho biết 70 thủy thủ của họ cùng 737 quân nhân Trung Quốc tham gia tập trận với nội dung chính là cứu hộ và xử lý tình huống khẩn cấp trên biển như tàu chìm hoặc thiên tai. Đáng lưu ý, một ngày trước khi 3 tàu Trung Quốc cập cảng Sihanoukville, 3 tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã rời Campuchia sau chuyến giao lưu văn hóa với hải quân nước chủ nhà.
Ngoài tập trận chung, Đô đốc Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia, hôm 24-2 cho biết nước này đang cân nhắc mua 2 tàu chiến được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại của Trung Quốc.
Trong cuộc tiếp Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, Chuẩn đô đốc Du Mãn Giang, Đô đốc Tea Vinh nói: “Hải quân Hoàng gia cần 2 tàu chiến và vấn đề này đang được bộ quốc phòng 2 nước trao đổi. Chúng tôi sẽ không sử dụng chúng cho chiến tranh mà chỉ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Campuchia không nên để các nước láng giềng xem thường”.
Tuy nhiên, ông Tea Vinh không tiết lộ chi tiết về loại tàu muốn mua. Hơn nữa, theo báo The Phnom Penh Post, kế hoạch này vẫn chưa được chính phủ Campuchia phê duyệt. Trong khi đó, ông Du không có phản ứng gì đối với thông tin trên mà chỉ nói chung chung rằng 2 nước sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ, hợp tác, nhất là thông qua các cuộc hàng hải chung.
Úc tăng chi tiêu quốc phòng
Tàu chiến Trung Quốc đến Campuchia trùng hợp với thời điểm Bắc Kinh tiếp tục leo thang hành động quân sự hóa biển Đông, dẫn đến sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25-2 ngang ngược tuyên bố chuyện nước này xây các cơ sở quân sự ở biển Đông là “thật sự cần thiết” để đối phó “tiến trình quân sự hóa” mà Mỹ đang thúc đẩy.
Những lời lẽ bao biện này không thuyết phục được ai. Chính phủ của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cùng ngày thúc giục Bắc Kinh nói rõ ý đồ quân sự ở biển Đông cũng như có những hành động mang tính xây dựng để góp phần vào sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Phát biểu khi sách trắng quốc phòng được công bố, ông Turnbull cho biết chiến lược quốc phòng sắp tới của Úc nhằm thích ứng với sự thay đổi của an ninh trong khu vực, nhất là sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc cùng chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Nhân dịp này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews kêu gọi ông Turnbull đưa tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở biển Đông. “Trung Quốc đang lợi dụng sự rụt rè của Mỹ và đồng minh. Nếu chúng ta tiếp tục nhẹ tay, Trung Quốc sẽ càng hung hăng” - ông Andrews khẳng định. Theo báo The Australian, cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott dự kiến đưa ra lời kêu gọi tương tự khi đến diễn thuyết ở Tokyo ngày 26-2.
Nội dung sách trắng trên cho biết Úc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 195 tỉ AUD (khoảng 140 tỉ USD) vào giai đoạn 2021-2022 (tương đương 2% GDP). Trọng tâm của kế hoạch hiện đại hóa quân đội này là tăng cường sức mạnh hải quân, cụ thể là tăng gấp đôi số tàu ngầm (lên 12 chiếc), bổ sung 3 tàu khu trục, 9 tàu chống tàu ngầm và 12 tàu tuần tra.
Bên cạnh đó, thủ tướng Úc nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ liên minh với Mỹ. “Trong 2 thập kỷ tới, Mỹ vẫn là lực lượng quân sự ưu việt trên toàn cầu. Họ sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Úc và sự hiện diện tích cực của Mỹ sẽ tiếp tục củng cố ổn định khu vực” - ông Turnbull đánh giá.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 24-2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, khẳng định Washington sẽ thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không mạnh mẽ hơn ở biển Đông. Cũng theo ông Harris, Hải quân Mỹ đang cân nhắc triển khai thêm một tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục lớp Zumwalt hiện đại nhất (có thể tránh được radar và được trang bị tên lửa dẫn đường cũng như pháo bắn bằng điện từ trường) đến Tây Thái Bình Dương để đối phó những động thái quân sự của Trung Quốc trên biển Đông.
Bình luận (0)