Đài BBC (Anh) hôm 8-5 cho biết nghiên cứu do hai trường ĐH RMIT và Monash (đều của Úc) tiến hành. Theo đó, cứ 5 người Úc thì có 1 người bị phát tán "ảnh nóng". Trong số 4.200 người tham gia khảo sát, hai trường ĐH RMIT và Monash nhận thấy số đàn ông và phụ nữ bị "trả thù khiêu dâm" là bằng nhau.
Các nhóm thiểu số bao gồm người Úc bản địa, khuyết tật, chuyển giới, đồng tính… có nguy cơ trở thành nạn nhân cao hơn.
Ảnh minh họa: Straits Times
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc phát tán "ảnh nóng" mà không được sự cho phép nên cấu thành hành vi tội phạm, đồng thời đề nghị chính phủ thành lập đường dây nóng giống như Anh từng làm vào năm 2015.
TS Nicola Henry, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Vấn đề nêu trên chắc chắn khiến luật pháp và chính sách của chúng ta phải vật lộn để đối phó. Hình ảnh được sử dụng để kiểm soát, lạm dụng và làm nhục người khác".
Hiện chỉ có hai tiểu bang Victoria và Nam Úc ban hành luật chống phán tán hình ảnh trái phép.
Được sử dụng vào đầu những năm 1990, thuật ngữ "trả thù khiêu dâm" nói về thể loại phim có cốt truyện trả thù và những cảnh quay bạo lực, liên quan tới "tra tấn khiêu dâm". Năm 2007, trang Urbandictionary.com định nghĩa cụm từ này như một phương tiện dùng để nhục mạ người khác hoặc để giải trí.
Vào cuối năm 2008, thuật ngữ "trả thù khiêu dâm" được dùng làm tên của một trang web người lớn. Đến tháng 11 cùng năm, tạp chí Details công bố một bài báo có nội dung về "trả thù khiêu dâm".
Tháng 12-2011, mạng xã hội Facebook chặn một trang web chuyên cung cấp các đường dẫn tới hồ sơ người dùng mạng xã hội này, đính kèm hình ảnh của chủ tài khoản bị đăng tải mà không hề xin phép.
Bình luận (0)