Theo AP, trong một loạt báo cáo được công bố hôm 8-11, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị rằng nên khởi động các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine, một khi nước này giải quyết được một số thiếu sót.
EC ca ngợi chính phủ Ukraine, đất nước đang bị xung đột, "đã thể hiện một mức độ đáng kể về sức mạnh thể chế, quyết tâm và khả năng hoạt động".
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhấn mạnh các cuộc đàm phán chỉ nên bắt đầu khi Ukraine giải quyết được vấn đề tham nhũng, các mối lo ngại về vận động hành lang và luật về các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo ở thủ đô Kiev của Ukrane hôm 4-11 - Ảnh: AP
Nước láng giềng Moldova của Ukraine cũng nhận được thông điệp tương tự. Còn Georgia được thông báo rằng nước này nên có thể trở thành ứng cử viên để tham gia EU sau khi giải quyết được những thiếu sót trong cuộc chiến chống tham nhũng và vấn đề bầu cử.
Các đề xuất của EC, được nêu trong các báo cáo tiến độ hàng năm, chủ yếu cung cấp hướng dẫn kỹ thuật cho 27 quốc gia thành viên EU về mức độ tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc điều chỉnh cho phù hợp với quy định chung của khối.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đưa ra quyết định tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels - Bỉ vào ngày 14 và 15-12. Không có gì đảm bảo họ sẽ nhất trí về những đề xuất nên trên. Chẳng hạn, Hungary và Slovakia đặc biệt tỏ ra lạnh nhạt trước nguyện vọng của Ukraine.
Trong khi đó, vùng Balkan – bao gồm Albania, Bosnia, Montenegro, Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo – vẫn còn nhiều biến động. Bosnia bị cản trở bởi chia rẽ sắc tộc trong khi Serbia và Kosovo từ chối bình thường hóa quan hệ.
Trước khi các khuyến nghị được công bố, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đến thăm vùng Balkan để thúc đẩy kế hoạch tăng trưởng kinh tế bao gồm các khoản vay trị giá 6 tỉ euro (6,4 tỉ USD) và các hỗ trợ khác để đổi lấy nhiều cải cách hơn.
Tháng trước, một quan chức cấp cao của EU cho biết lý do Ukraine giành được sự chú ý và nhiều đồng thuận là vì Kiev đang thể hiện những thứ mà các nhà quản lý cho rằng còn thiếu ở Balkan: Năng lượng, sự cam kết và sự nhiệt tình.
Ngược lại, hy vọng gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ dường như bế tắc. EC đề cập đến "những thiếu sót nghiêm trọng của các thể chế dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ", cũng như cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của nước này không đạt được tiến bộ nào.
Bình luận (0)