Tại cuộc họp báo ngày 19-3, ông Parubiy nói chính quyền Kiev sẽ đưa binh lính về lại Ukraine một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ông cũng vạch ra một số giải pháp đáp trả của Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir ký hiệp ước sáp nhập với lãnh đạo Crimea.
Trước hết, Hội đồng An ninh Quốc phòng quốc gia ra quyết định áp dụng thị thực nhập cảnh với công dân Nga. Trước đó, công dân 2 nước được miễn thị thực khi đi du lịch từ năm 1991 sau khi Ukraine tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô.
Tiếp đến, Ukraine đề xuất Liên Hiệp Quốc tuyên bố Crimea là khu vực phi quân sự “Chính phủ Ukraine sẽ lập tức kiến nghị Liên Hiệp Quốc công nhận Crimea là khu vực phi quân sự và áp dụng những biện pháp cần thiết để các lực lượng Nga rời khỏi Crimea và tạo điều kiện để các lực lượng Ukraine cũng như dân thường không muốn sinh sống ở vùng đất bị chiếm đóng rút đi ” – ông Parubiy nói.
Cũng theo ông này, Ukraine sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ và Anh. Đây là 2 nước đã cùng Nga ký Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 nhằm đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sau khi Kiev giao nộp phần vũ khí hạt nhân của Liên Xô mà nước này quản lý cho Nga.
Thứ ba, ông Parubiy thông báo Kiev quyết định rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), một liên minh do Moscow đứng đầu thay thế Liên Xô trước đây.
Trong khi đó, hạn chót 21 giờ (giờ địa phương, tức 19 giờ GMT) ngày 19-3 mà Tổng thống lâm thời Ukraine Olexander Turchynov đặt ra để chỉ huy hải quân Serhiy Hayduk được thả ra đã trôi qua.
Ông Hayduk được cho là bị bắt đi sau khi các tay súng thuộc lực lượng tự vệ Crimea và hàng trăm người thân Nga chiếm trụ sở Hải quân Ukraine ở Sevastopol.
Không lâu sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu kêu gọi chính quyền Crimea thả ông Hayduk. “Trừ khi chỉ huy Serhiy Hayduk và tất cả con tin khác được thả ra, nếu không chính quyền sẽ đáp trả tương xứng” – ông Turchynov nói.
Không rõ Kiev sẽ đáp trả ra sao song phóng viên BBC cho rằng có thể sẽ cắt điện nước mà họ đang cung cấp cho Crimea. Căn cứ hải quân của Ukraine tại Novo-Ozyorne, phía Tây Crimea, cũng bị chiếm đóng. Theo BBC, khoảng 50 binh sĩ Ukraine đã rời khỏi căn cứ,
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh và Phó Thủ tướng thứ nhất Vitaly Yarema đã cố vào Crimea để xoa dịu tình hình song không thành công.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon dự kiến gặp Tổng thống Nga Putin ngày 20-3 và sau đó gặp chính quyền lâm thời Kiev ngày 21-3.
Cuôc họp ngày 20-3 của Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ lại bàn về Ukraine. Thủ tướng Anh David Cameron nói EU phải phát đi “cảnh báo rõ ràng” với Nga, báo hiệu khả năng có thêm các lệnh trừng phạt và loại Nga khỏi G8.
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama ngày 19-3 cho biết Nga phạm luật quốc tế khi sáp nhập Crimea nhưng Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine.
Bình luận (0)