Donbass (gồm vùng Luhansk và Donetsk) căng thẳng hơn bao giờ hết khi chính phủ Ukraine tuyên bố kể từ ngày 1-12 sẽ ngưng chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội cho cư dân sinh sống tại khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai. Chính phủ Ukraine khẳng định không xem xét lại quyết định này.
Bước đi khó tránh
Bộ trưởng Chính sách Xã hội Ukraine Lyudmila Denisova cho biết để hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội, cư dân Donbass phải đến đăng ký tại cơ quan chức năng Ukraine, đồng thời chứng minh họ là người chạy loạn, đang sống bên ngoài khu vực diễn ra “chiến dịch chống khủng bố” hoặc khu vực tạm thời bị chiếm đóng - cụ thể là lãnh thổ 2 cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR).
Như thế, cư dân Donbass phải ra khỏi vùng đất phe ly khai kiểm soát và đăng ký với nhà chức trách Ukraine để nhận trợ cấp xã hội.
Theo Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, Kiev không thể chở tiền đến các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai vì sợ bị cướp bóc. Lo ngại này đã bị DPR bác bỏ. Trước đó, Thủ tướng Yatsenyuk tuyên bố tất cả khoản lương hưu, trợ cấp xã hội của cư dân Donbass sẽ được sử dụng để thanh toán tiền khí đốt và điện năng cung cấp đến khu vực này.
Thực ra, nếu phân tích kỹ quyết định của chính phủ Ukraine thì sẽ nhận thấy đây là bước đi không thể tránh khỏi. Không còn kiểm soát được Donbass, Ukraine đã mất đi một phần lao động và khoản thu ngân sách đáng kể. Do đó, Kiev cũng không thể chi trả các loại trợ cấp xã hội như trước.
Cắt đi phúc lợi, trong chừng mực nào đó, giống như Kiev thừa nhận đã mất Donbass nhưng cung cấp tiền cho vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thì chẳng khác nào giúp chính quyền ly khai!
Tội ác chiến tranh?
Donetsk và Luhansk ngay lập tức lên tiếng yêu cầu Kiev tiếp tục chi trả trợ cấp xã hội cho khu vực này với lý lẽ nếu cắt cũng có nghĩa là nhà nước Ukraine “gây chiến” với chính công dân của mình.
Một mặt khẳng định không xem mọi cư dân Donbass đều là công dân DPR và LPR, mặt khác phe ly khai kêu gọi các chính khách, nhà hoạt động xã hội và nhà bảo vệ nhân quyền châu Âu tác động để Kiev hủy bỏ quyết định nêu trên.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân DPR Denis Pushilin nhận định Kiev phạm phải tội ác chiến tranh. Trong khi đó, các nhà phê bình và phe đối lập thân Nga tại Ukraine cũng cáo buộc chính phủ nước này cố tình gây ra một “nạn đói mới” và đối xử vô nhân đạo với cư dân Donbass. Theo họ, không phải tất cả người dân ở Donbass đều theo phe ly khai mà họ đơn giản là không thể rời đi.
Cư dân nơi đây đang đứng trước 2 ngả đường: hoặc rời bỏ lãnh thổ bị chiếm đóng hoặc đòi chính quyền ly khai thanh toán lương và tiền hưu trí. Ngoài ra, có những người đang trông chờ vào sự bảo trợ từ Nga, như trường hợp Crimea.
Trong diễn biến mới nhất, theo trang tin Obozrevatel ngày 27-11, một người tàn tật ở Donetsk tên Vladimir Steshenok, sinh năm 1942, đã đệ đơn kiện Tổng thống Petro Poroshenko vì cắt lương hưu và yêu cầu tòa án hủy bỏ sắc lệnh “bất hợp pháp” này.
Moscow dọa tấn công Kiev?
Theo đại diện Văn phòng Tổng thống Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin đêm 26-11 với sự có mặt của đại sứ Nga Mikhail Zurabov. Ông này dẫn nội dung cuộc điện đàm cho biết Moscow đã đe dọa tấn công và yêu cầu Kiev công nhận các cộng hòa ly khai cũng như từ chối gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, người phát ngôn của tổng thống Ukraine, bà Irina Friz, lại lên tiếng bác bỏ thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh cuộc đối thoại giữa 2 tổng thống mang tính xây dựng. Người phát ngôn Điện Kremlin ngày 27-11 khẳng định thông tin dọa nạt là bịa đặt.
Trong khi đó, quốc hội Ukraine khóa VIII với 423 đại biểu đã nhóm họp phiên đầu tiên ngày 27-11. Đáng chú ý là tại buổi soạn thảo thỏa thuận liên minh diễn ra trước cuộc họp, Đảng “Khối Poroshenko” không muốn ký kết văn kiện xem xét việc Ukraine gia nhập NATO trong khi các đảng phái khác đồng ý.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!