xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ukraine lún sâu vào chia rẽ

Hoàng Phương

Tổng thống Victor Yanukovych tuyên bố không chấp nhận bất kỳ quyết định nào của quốc hội, đồng thời khẳng định các động thái của quốc hội và phe đối lập là bất hợp pháp

Tình hình Ukraine đã có những biến chuyển chóng mặt hôm 22-2 sau khi quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Victor Yanukovych, quyết định tổ chức bầu cử sớm vào ngày 25-5 và trả tự do cho thủ lĩnh đối lập Yulia Tymoshenko.

Kịch bản chia tách Đông - Tây

Những diễn biến mới nhất nêu trên đe dọa đẩy Ukraine lún sâu vào cuộc tranh giành quyền lực và tình trạng chia rẽ sâu sắc khiến dư luận thế giới không khỏi lo ngại.

Nhiều người thậm chí còn nói về một kịch bản chia tách Đông - Tây sau khi ông Yanukovych chạy đến “thành trì” của mình ở miền Đông. Một chính phủ mới có thể được lập ở Kiev sau cuộc bầu cử nếu nó diễn ra như kế hoạch, trong lúc ông Yanukovych tìm kiếm sự ủng hộ để lập một trung tâm quyền lực đối đầu.

Báo The New York Times nhận định nếu ông Yanukovych huy động được sự ủng hộ ở miền Đông và tìm kiếm sự chia tách, miền Tây chắc chắn sẽ đáp trả bằng vũ lực để bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước, đe dọa dẫn đến nội chiến.

Nỗi lo trên không phải không có cơ sở khi ông Yanukovych hôm 22-2 khẳng định không từ chức  và đang tư vấn với người ủng hộ ở miền Đông về bước đi kế tiếp. Xuất hiện trên một đài truyền hình ở Kharkiv, một thành phố thân Nga, nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố không chấp nhận bất kỳ quyết định nào của quốc hội, khẳng định các động thái của quốc hội và phe đối lập là bất hợp pháp. Ông gọi những gì đang diễn ra là một cuộc đảo chính.

Theo hãng tin Reuters, hiện vẫn chưa rõ ông Yanukovych ở đâu sau khi bị quốc hội phế truất. Cư dân TP Donetsk cho biết an ninh đã được tăng cường trên con đường chính dẫn đến nhà riêng của Yanukovych, qua đó cho thấy ông có thể đang ở đây. Trước đó, theo hãng tin Interfax, lính biên phòng tại Donetsk đã từ chối cho ông Yanukovich lên máy bay rời khỏi đất nước.

 

Người biểu tình chống chính phủ trấn giữ trước Quốc hội Ukraine ở Kiev hôm 22-2Ảnh: AP
Người biểu tình chống chính phủ trấn giữ trước Quốc hội Ukraine ở Kiev hôm 22-2Ảnh: AP

 

Những phản ứng trái chiều

Giới chức tại miền Đông Ukraine cũng đang đặt dấu hỏi đối với tính hợp pháp của quốc hội mới được trao quyền. Tại cuộc họp khẩn tại Kharkiv hôm 22-2, một số tỉnh trưởng, quan chức, nhà lập pháp ở miền Đông cùng các nghị sĩ Nga đã thông qua tuyên bố kêu gọi nhà chức trách địa phương có trách nhiệm bảo vệ trật tự hiến pháp. Theo hãng tin AP, một số người thậm chí còn kêu gọi thành lập lực lượng tình nguyện để “chống lại người biểu tình đến từ những khu vực miền Tây”.

Sự chia rẽ Đông - Tây đã xuất hiện ngay từ khi Ukraine trở thành một nước độc lập năm 1991. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn kể từ khi ông Yanukovych đột ngột từ chối ký hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11-2013.

Thay vào đó, ông Yanukovych chủ trương tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ với Nga, dẫn đến làn sóng biểu tình của những người thân phương Tây.  Họ không chỉ cáo buộc Yanukovych phản bội lợi ích quốc gia mà còn chỉ trích nạn tham nhũng và sự tàn bạo trong chính phủ của ông. Ngược lại, những người ủng hộ ông Yanukovych ở miền Đông cho rằng người biểu tình chống chính phủ và phe đối lập bị thao túng và tài trợ bởi phương Tây.

Với vị trí chiến lược, một thị trường tiêu dùng lớn và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hết, có thể hiểu được việc Nga, EU và cả Mỹ đều tìm cách tranh giành ảnh hưởng tại đất nước 46 triệu dân này. Đó cũng là lý do xuất hiện những phản ứng trái chiều ngay sau khi ông Yanukovych bị phế truất.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích phe đối lập Ukraine không tuân thủ cam kết dựa trên thỏa thuận đã ký với ông Yanukovych hôm 21-2. Trong khi đó, Mỹ và một số nước châu Âu lại hoan nghênh việc phóng thích bà Tymoshenko, người tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa Ukraine gia nhập EU ngay sau khi được tự do. Riêng Đức còn kêu gọi lập chính phủ mới trước khi ông Yanukovich trở về Kiev.

 

Nga hoãn cứu trợ

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 23-2 cảnh báo Moscow sẽ hoãn kế hoạch mua trái phiếu của Ukraine cho đến khi nào nước này có chính phủ mới.  Phát biểu sau khi ông Yanukovych bị phế truất, ông Siluanov cho biết bước đi trên là cần thiết để hiểu được chính sách kinh tế của chính phủ mới.

Kế hoạch mua 2 tỉ USD trái phiếu của Ukraine là một phần của gói cứu trợ trị giá 15 tỉ USD mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Yanukovych nhất trí hồi tháng 12-2013. Đây được xem là nỗ lực của Nga nhằm giúp kinh tế Ukraine tránh nguy cơ đổ vỡ và lôi kéo nước này về phía mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo