Khoảng 30.000 người ủng hộ phe đối lập tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev hôm 10-2. Biểu tình diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Viktor Yanukovych tìm kiếm thủ tướng mới cũng như lối thoát cho nền kinh tế nợ nần chồng chất.
Các nhà lãnh đạo đối lập lặp lại các lời kêu gọi cải cách hiến pháp và tổ chức cuộc bầu cử mới với hy vọng loại ông Yanukovych khỏi ghế tổng thống.
Một lãnh đạo phe biểu tình, cựu võ sĩ quyền Anh Vitaly Klitschko, cho biết:“Tôi hy vọng đây sẽ là một cuộc biểu tình hòa bình. Không chỉ thế, tôi mong muốn cuộc biểu tình này không chỉ diễn ra tại Quảng trường độc lập mà còn diễn ra tại nhiều thành phố khác”.
Sau tháng 11-2013, người dân Ukraine xuống đường biểu tình để phản đối việc Tổng thống Yanukovych.
Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi muốn thay đổi hệ thống chính trị trong nước. Chúng tôi muốn có một hệ thống trong đó tổng thống phục vụ ý muốn của người dân, xóa bỏ sự độc tài của tổng thống” - lãnh đạo đối lập, cựu Bộ trưởng Kinh tế Arseniy Yatsenyuk nói.
Trong khi chính trị gia cực hữu Oleh Tyahnibok nói thêm: “Cuộc đấu tranh của chúng tôi không chỉ chống lại chế độ của ông Yanukovich mà còn đối với những người ủng hộ, chống lại chính sách đế quốc của điện Kremlin.”
Ông Yanukovych đã chấp nhận sự từ chức của thủ tướng và hủy bỏ các luật lệ chống biểu tình đầy tranh cãi. Tuy nhiên, người biểu tình yêu cầu nhiều nhượng bộ hơn nữa bao gồm việc ông Yanukovych từ chức.
Trong khi đó, Nga tăng thêm gánh nặng cho ông Yanukovych. Bất chấp cuộc gặp riêng bên lề Olympic Sochi giữa ông Yanukovych và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7-2, Moscow tuyên bố tạm ngừng giải ngân gói viện trợ 15 tỉ USD cho Kiev.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói: "Chúng tôi sẽ giữ lời hứa với Ukraine nhưng đổi lại, Ukraine cũng phải hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết". Ông Siluanov nhắc láng giềng về món nợ khí đốt 2,7 tỉ USD.
Tổng thống Yanukovych đã trở về Kiev từ Sochi song không hé lời về nội dung trao đổi trong cuộc gặp chớp nhoáng với ông Putin.
Cùng ngày, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine cho biết họ đặt các đơn vị chống khủng bố trong tình trạng báo động cao. Theo đó, các sân bay quốc tế, cơ sở điện lực, nhà ga xe lửa và xe buýt trong các thành phố lớn đang trong tình trạng rủi ro. Cơ quan này thông báo các biện pháp chống khủng bố cũng sẽ được áp dụng để phong tỏa các tòa nhà chính phủ.
Có thể hiểu đây như một cảnh cáo đối với người biểu tình sau khi các nhà chức trách nhận được đe dọa đánh bom trên toàn quốc tại các sân bay, nhà ga, đường ống dẫn dầu và nhiều địa điểm. Ít nhất 6 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người đối lập và cảnh sát chống bạo động.
Bình luận (0)