Ukraine vừa được ném cho chiếc phao cứu sinh sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý gói cứu trợ từ 14-18 tỉ USD cho nước này hôm 27-3.
Đổi lại, Quốc hội Ukraine cùng ngày thông qua một đạo luật chống khủng hoảng, chấp nhận các biện pháp khắc khổ và cải cách kinh tế theo yêu cầu của IMF.
Dù vậy, sự hỗ trợ trên vẫn chưa đủ bởi chính phủ tạm thời Ukraine cho biết cần 35 tỉ USD để tránh vỡ nợ trong 2 năm tới. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Ukraine giảm 0,3% trong năm 2013 và tình hình hiện nay càng xấu hơn sau làn sóng biểu tình lật đổ chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych và vụ sáp nhập Cộng hòa Crimea vào Nga.
Theo ông Simon Mandel, phó chủ tịch Công ty Môi giới Auerbach Grayson (Mỹ), vụ sáp nhập trên có thể khiến GDP Ukraine giảm 5% trong năm 2014.
Quan chức và nghị sĩ Ukraine tranh luận về các biện pháp kinh tế khắc khổ tại phiên họp hôm 27-3
Ảnh: REUTERS
Tình hình chính trường Ukraine cũng đang rối ren sau khi gần 2.000 thành viên của nhóm cực hữu Right Sector bao vây tòa nhà quốc hội ở Kiev tối 27-3.
Các thành viên Right Sector đốt lốp xe và đập vỡ kính cửa tòa nhà này để gây sức ép buộc quyền Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov từ chức sau khi một trong số các thủ lĩnh của tổ chức là Aleksandr Muzychko bị cảnh sát bắn chết tại thành phố miền Tây Rivne hôm 25-3. Theo RIA Novosti, tất cả nghị sĩ đã rút khỏi tòa nhà thông qua một đường hầm dưới lòng đất.
Sang ngày 28-3, Tổng thống lâm thời Ukraine Olexander Turchynov lên án Right Sector “gây mất ổn định”. Cùng ngày, ông Yanukovych kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý toàn Ukraine về quy chế của các khu vực trên toàn quốc. Theo ông Yanukovych, có như vậy mới giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.
Sức ép đối với chính phủ tạm quyền Ukraine còn đến từ nước láng giềng Nga, cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Kiev hiện nợ Tập đoàn Khí đốt Nga Gazprom khoảng 1,9 tỉ USD và con số này sẽ còn đội lên do giá nhập khẩu khí đốt từ Nga dự kiến tăng gần 80% kể từ ngày 1-4, theo Thủ tướng Arseny Yatseniuk.
Phát biểu tại quốc hội hôm 27-3, ông Yatseniuk nhấn mạnh mức giá trên là một trong những yếu tố đẩy nền kinh tế Ukraine tới gần thảm họa hơn. Ông cảnh báo: “Ukraine sẽ vỡ nợ trong năm nay nếu các biện pháp cải cách do IMF đề xuất không được thông qua”.
Chưa hết, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm ngoái đã không che giấu ý định sẵn sàng hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine để trừng phạt việc Kiev tìm cách “thoát khỏi quỹ đạo của Moscow”.
Ông Andras Simor, Phó Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, lo ngại nhiều công ty Ukraine sẽ phải “đổ máu và mồ hôi” nếu muốn vượt qua bất kỳ một lệnh cấm nào như thế từ Nga.
Cùng ngày, ông Andriy Parubiy, Chủ tịch Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, cho biết gần 100.000 quân Nga đang tiến về biên giới Ukraine và hướng đến Kharkov, Donetsk. “Quân Nga không chỉ ở Crimea mà còn trải dọc toàn biên giới Ukraine, ở phía Đông và Nam” - ông Parubiy nói.
Chưa rõ thực hư của thông tin này nhưng đài CNN dẫn nguồn tin giấu tên cho biết tình báo quân sự Mỹ nhận định khả năng Nga xâm nhập miền Đông Ukraine đang cao hơn dự đoán trước đó.
Phát biểu trên đài CBS ngày 28-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng quân Nga tập trung ở biên giới Ukraine là bất thường, đồng thời kêu gọi Moscow ngay lập tức rút quân về và bắt đầu đối thoại.
Bình luận (0)