Trong cuộc điện đàm với Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama đêm 1-3, TT Nga Vladimir Putin tuyên bố trong bối cảnh bạo lực lan sang miền Đông Ukraine và khu vực Crimea, Nga sẽ bảo vệ quyền lợi của mình cũng như cư dân nói tiếng Nga đang sinh sống ở đó.
Moscow bị cô lập
Hãng tin RIA Novosti trích dẫn thông báo của cơ quan phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ: “Đáp lại mối quan ngại của TT Obama trước khả năng Nga sử dụng các lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Ukraine, TT Putin đã nhắc đến những hành động khiêu khích gây đổ máu của những phần tử quá khích, được chính quyền hiện nay ở Kiev ủng hộ”.
Đồng thời, TT Nga nhấn mạnh đến mối đe dọa có thực đối với tính mạng và sự an nguy của người Nga hiện đang có mặt trên lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, trong cuộc điện đàm với TT François Holland theo sáng kiến của phía Pháp, TT Putin cũng nhấn mạnh sự đe dọa đến tính mạng của công dân Nga.
Trong khi đó, tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York cùng thời gian trên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power yêu cầu nhanh chóng cử đến Ukraine các quan sát viên quốc tế để giảm bớt căng thẳng ở Crimea.
Theo bà, phái bộ này sẽ tác động để Moscow phải tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp với chính phủ Ukraine. Bà nhấn mạnh: “Đã đến lúc kết thúc sự xâm lược của Nga vào Ukraine”.
Đại sứ Anh tại LHQ Lyall Grant tuyên bố ủng hộ chính phủ hiện nay ở Ukraine trong khi Đại sứ Pháp Gerard Araud cho rằng hành động cho phép đưa quân vào Ukraine là mối đe dọa đến sự toàn vẹn và hòa bình ở nước này. Ông Araud nhấn mạnh quyết định đưa quân vào Ukraine là hành động nguy hiểm cũng như gây mất ổn định. Riêng Đại sứ Ukraine tại LHQ Yury Sergeiyev khẳng định 15.000 lính Nga đang có mặt tại Crimea.
Trong một diễn biến khác, Nhà Trắng tuyên bố hủy kế hoạch tham dự các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra ở TP Sochi - Nga vào tháng 6 tới. Theo hãng tin AP, Thủ tướng Canada Steven Harper cho biết Ottawa đã triệu hồi đại sứ ở Nga về nước, đồng thời thông báo cũng có ý định không tham dự Hội nghị G8 sắp tới.
Chiến hạm Ukraine theo Nga
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định cần thiết phải thi hành thỏa thuận đạt được ngày 21-2 và thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc để giải quyết tình hình ở Ukraine. Theo kênh truyền hình Rossiya-24, ông Churkin lên án một số chính khách Mỹ và châu Âu đã khuyến khích hành động biểu tình trên đường phố Kiev, đồng thời coi đó là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một nhà nước có chủ quyền.
Ngoài ra, ông Churkin còn thông báo Thủ tướng Crimea Sergei Aksenov đã yêu cầu Nga giúp đỡ bảo đảm hòa bình ở Crimea và ông Viktor Yanukovych đã ủng hộ điều đó.
Dư luận thế giới đã đặc biệt lo ngại sau khi Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện) ngày 1-3 nhất trí thông qua nghị quyết đồng ý cho TT Putin sử dụng lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị - xã hội ở nước này trở lại bình thường. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko cho biết nghị quyết này có hiệu lực ngay khi được thông qua.
Cùng ngày, Chủ tịch Duma quốc gia Nga (hạ viện) Sergei Naryshkin tuyên bố Nga có thể xem TT tạm quyền Ukraine Alexander Turchynov là tội phạm chiến tranh trong trường hợp ông này áp dụng sức mạnh quân sự chống lại cư dân miền Đông Nam Ukraine và Crimea.
Trong khi đó, ông Turchynov đã ra lệnh đặt các lực lượng vũ trang Ukraine vào tình trạng hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, sau đó, theo báo Vzglyad, có tin chiến hạm Getman Sagaidachnyi của hải quân Ukraine đang trên đường trở về Sevastopol đã từ chối phục tùng mệnh lệnh của Kiev và đã treo cờ của hải quân Nga.
Trong bối cảnh đó, hãng tin Vesti đưa tin Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine Andrei Parubiy thông báo lệnh tổng động viên được ban hành trên toàn quốc ngày 2-3. Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ủy ban NATO - Ukraine triệu tập phiên họp khẩn cấp ở Brussels theo yêu cầu giúp đỡ của Ukraine. Nước này cũng kêu gọi LHQ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Người tị nạn Ukraine đổ sang Nga
Các khu vực Nga giáp biên giới với Ukraine đang phải đối phó với làn sóng người tị nạn từ Ukraine. Theo hãng tin Vesti, kể từ khi căng thẳng leo thang, 143.000 công dân Ukraine đã vượt biên giới sang Nga. Trong 2 tuần qua, số người Ukraine xin tị nạn tạm thời và xin nhập quốc tịch Nga tại các khu vực gần biên giới đã tăng mạnh. Cơ quan Di trú Nga hứa sẽ xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)