Hàng loạt xe tăng T-64 BM chạy trên đường phố Kiev hôm 7-8 nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine từ chối giải thích tai sao lại cho phép loại thiết bị quân sự hạng nặng kể trên có mặt trong thủ đô.
Các cảnh quay truyền hình đã cho thấy 4 đơn vị kỹ thuật, trong đó có xe thiết giáp đổ bộ, xe tăng và tên lửa phòng không di động ZSU-23-4 "Shilka" xuất hiện tại Kiev. Theo báo Nga, không loại trừ khả năng các xe tăng này được sử dụng để trấn áp cuộc nổi dậy trên Quảng trường Độc lập.
Sau một thời gian yên ắng, Quảng trường Độc lập ở trung tâm thủ đô Kiev tiếp tục chứng kiến cuộc xung đột giữa các nhà hoạt động chống chính phủ và lực lượng an ninh Ukraine. Những kẻ quá khích ném đá, chai xăng cháy và gậy gộc về phía cảnh sát cũng như lính cứu hỏa, ép buộc họ phải rời khỏi khu vực quảng trường. Một số binh sĩ của Lữ đoàn Đặc nhiệm Kiev-1 bị thương.
Đụng độ nổ ra sáng 7-8, khi các nhân viên dịch vụ công cộng dỡ bỏ chiến lũy. Những chiếc lốp xe bị đốt cháy tỏa khói mù mịt và khét lẹt. Ngoài ra còn có một số vụ nổ ở khu vực trung tâm, theo RIA Novosti.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Thư ký báo chí của Phó Thị trưởng Kiev, Olesya Ostafievya, cho biết các nhân viên của tòa thị chính Kiev đã phải sơ tán sau khi có thông báo tòa nhà có thể bị chiếm giữ. Hiện chỉ còn nhân viên bảo vệ ở lại.
Những người biểu tình chiếm Quảng trường Độc Lập từ cuối năm 2013, sau khi chính phủ Ukraine thông báo ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Cuộc biểu tình sau đó lan rộng ra cả nước khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Một số nhà hoạt động hiện vẫn bám trụ tại khu vực quảng trường dù chính quyền Kiev nhiều lần kêu gọi họ giao trả các tòa nhà đang chiếm đóng.
Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình ở Quảng trường Độc Lập, trung tâm thủ đô Kiev.
Ảnh: RIA Novosti
Trong khi đó, liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm 7-8 yêu cầu Nga rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine và cảnh báo Moscow sẽ tự cô lập mình nếu tiếp tục can thiệp quân sự vào Ukraine. Ông Rasmussen cũng đề nghị Nga ngừng hỗ trợ phiến quân ly khai và “chân thành tham gia cuộc đối thoại” để lập lại hòa bình.
Tuyên bố được ông Rasmussen đưa ra trong chuyến thăm tới Kiev. Trước đó, ông và Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk thảo luận về biện pháp tăng cường hỗ trợ sức mạnh phòng thủ cho Ukraine, không bao gồm các viện trợ thiết bị quân sự sát thương.
Ngay sau tuyên bố của ông Rasmussen, phiến quân ly khai thân Nga ở miền Đông lập tức bắn hạ một chiếc chiến đấu cơ Mig-29 của quân đội Kiev tại khu vực Horlivka – cách biên giới Nga khoảng 100 km nhưng không có thương vong.
Chính phủ Ukraine cho biết thỏa thuận ngừng bắn tại hiện trường vụ máy bay MH17 của Malaysia gặp nạn cũng bị đình chỉ. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko thông báo trong vòng 24 giờ tính đến sáng 7-8, quân đội Ukraine mất 7 binh lính và 19 người khác bị thương, nâng tổng số nạn nhân bị giết trong cuộc xung đột kể từ tháng 4 lên hơn 400 người.
Cùng ngày 7-8, Thủ tướng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự phong Alexander Boroday tuyên bố từ chức và đề cử Alexander Zakharchenko lên thay. Là người gốc Nga, ông Boroday nói lãnh đạo của DPR nên là một người Ukraine.
Boroday làm thủ tướng DPR từ ngày 16-5. Sau khi từ chức,Boroday làm phó thủ tướng PDR kiêm cố vấn chính cho người kế nhiệm, theo RIA Novosti.
Bình luận (0)