Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin hôm 21-9 cho rằng: "Việc một nước có khuynh hướng đồng minh ở gần Philippines tăng cường sức mạnh sẽ giúp khôi phục và duy trì sự cân bằng hơn là gây bất ổn".
Phản ứng của ông Locsin đối lập với lập trường của Indonesia và Malaysia, các nước đã cảnh báo về sự xuất hiện của tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á.
Ông Locsin cho rằng nếu không có sự hiện diện thực sự của vũ khí hạt nhân thì động thái của AUKUS sẽ không vi phạm hiệp ước năm 1995 về cấm vũ khí hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á. AUKUS được Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập vào ngày 15-9, với mục đích đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, ông Locsin cho hay: "Khoảng cách gần sẽ tạo ra phản ứng nhanh, qua đó giúp một nước có khuynhh hướng đồng minh ở gần ASEAN kịp thời ứng phó mối đe dọa đối với khu vực hoặc các thách thức đối với hiện trạng". Bộ trưởng Philippines không nói rõ "mối đe dọa" là gì.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng ngày cho biết ông sẽ không gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi cả hai có mặt tại Liên Hiệp Quốc trong tuần này.
Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách nói chuyện với Tổng thống Macron để xoa dịu căng thẳng quanh việc Úc hủy hợp đồng quốc phòng trị giá 40 tỉ USD với Pháp, ông Morrison cho rằng: "Sẽ không có cuộc gặp nào vào thời điểm này. Tôi chắc chắn cơ hội sẽ đến vào thời điểm thích hợp".
Trong khi đó, Úc và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức vòng đàm phán tiếp theo về một thỏa thuận thương mại vào ngày 12-10. Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán này sẽ diễn ra theo đúng lịch trình bất chấp sự thất vọng của Pháp.
Trái lại, ông Morrison hạ thấp kỳ vọng khi nói: "Đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu không phải là chuyện dễ dàng, tôi nghĩ rằng mọi người đều hiểu điều đó".
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!