Tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) vừa phát hiện phân tử hydro trong mạch nước phụt lên từ mặt trăng Enceladus - có khả năng là kết quả của các phản ứng hóa học giữa nước và đá dưới đáy biển sâu, từ đó có thể tạo ra một môi trường cho phép vi sinh vật tồn tại.
Theo công bố chấn động của các nhà nghiên cứu NASA hôm 13-4, một thế giới đại dương lỏng tồn tại dưới bề mặt lạnh giá của Enceladus, mặt trăng lớn thứ 6 của sao Thổ. Các nhà khoa học từ lâu đã biết tới những cột nước phụt ra từ kẽ băng nứt tại cực phía Nam của Enceladus nhờ Cassani. Và sự hiện diện của nhiều phân tử hydro mới được phát hiện có nghĩa là vi sinh vật có thể sử dụng nó để lấy năng lượng bằng cách kết hợp hydro với carbon dioxide hòa tan trong nước.
Phản ứng hóa học này gọi là thủy nhiệt, có thể tạo ra khí metan, vốn được coi là gốc rễ của sự sống trên Trái đất. “Enceladus có hầu như tất cả nguyên liệu cần thiết cho sự sống đã được biết tới trên Trái đất” - nhà khoa học Linda Spilker thuộc dự án Cassini cho biết trong cuộc họp báo của NASA.
Được phóng vào vũ trụ từ năm 1997, tàu Cassini sắp cạn nhiên liệu và chuẩn bị hoàn thành sứ mệnh vào tháng 9 tới. Các nhà khoa học nói phi thuyền trị giá 3,3 tỉ USD này không có dụng cụ để phát hiện sự sống nên sứ mệnh tìm kiếm sự sống tiềm năng trên Enceladus sẽ dành lại cho tương lai.
Trong khi đó, hệ thống kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đang theo dõi mặt trăng Europa của sao Mộc, được tin là cũng tồn tại một đại dương ngầm và có những cột nước phụt ra tương tự Enceladus. NASA đang đóng mới tàu vũ trụ Europa Clipper, dự kiến bắt đầu sứ mệnh tiếp cận Europa vào những năm 2020.
Bình luận (0)