Khúc quanh này càng thêm đắng cay khi biết rằng ông Sharif đang trong nhiệm kỳ thứ ba của mình (1990-1993, 1997-1999, 2013-2017) và cũng là lần thứ ba ông bị mất chức giữa chừng (2 lần đầu đều có sức ép từ quân đội). Ông là thủ tướng phục vụ lâu nhất của Pakistan nhưng cũng như tất cả người tiền nhiệm, ông chưa bao giờ hoàn thành 5 năm nhiệm kỳ.
Trên thực tế, Cơ quan Tình báo quân đội Pakistan (ISI) có thể chẳng cần khui vụ các con ông Sharif sở hữu nhiều công ty bình phong ở nước ngoài và mua bất động sản ở Anh như Hồ sơ Panama phanh phui. Bởi ngay từ cuộc bầu cử năm 2013 đã tồn tại thông tin ông nhận thù lao từ một trong các công ty của con trai ông. Nói cách khác, chỉ cần những mẩu thông tin rời rạc về ông Sharif nổi lên đúng thời điểm cũng là quá đủ!
Khi ông Sharif nắm quyền năm 2013, uy tín của quân đội trong công chúng thấp hơn một thập kỷ trước đó, có thể còn hơn. Nguyên nhân là vì vụ Mỹ bí mật tiêu diệt Osama bin Laden ngay trên đất Pakistan cũng như làn sóng tấn công khủng bố không ngừng tiếp diễn. Ngược lại, ông Sharif khi đó mạnh hơn hẳn những thủ tướng Pakistan trước đó.
Ông Nawaz Sharif (trái) và em trai Shahbaz Sharif Ảnh: AP
Nhìn bề mặt thì thấy 2 yếu tố then chốt dẫn đến sự lật đổ ông Sharif là tòa án và truyền thông. Từ năm 2007, hệ thống tư pháp và truyền thông Pakistan dần thay đổi nhờ các phong trào phản kháng quân đội. Nhưng công bằng mà nói, cả tòa án và truyền thông cũng phải thích ứng với chuyện quân đội Pakistan được lòng người dân hơn nhờ tích cực chống khủng bố kể từ cuối năm 2014.
Kết cục của ông Sharif không chỉ bị định đoạt bởi phán quyết của Tòa án Tối cao. Ông đã thua trong một ván cờ phức tạp và kéo dài, trong đó những sai lầm của chính ông góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, ông Sharif vẫn là thủ lĩnh đầy quyền lực của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz, đảng nắm nhiều ghế nhất trong quốc hội với gốc rễ chính trị sâu rộng và túi tiền rủng rỉnh.
Khoảng thời gian từ nay đến cuộc bầu cử vào năm 2018 sẽ chứng kiến cuộc chiến không khoan nhượng giữa một bên là ông Sharif cùng đảng của mình và bên kia là các lực lượng đối lập do chính trị gia Imran Khan dẫn đầu. Một nhân vật đang chực chờ mở ra một mặt trận mới là Tahir ul Qadri, nhà truyền giáo mang 2 quốc tịch Canada - Pakistan được quân đội hậu thuẫn. Ông Qadri cũng quyết liệt xem Shahbaz Sharif - em trai kiêm ứng viên kế thừa ghế thủ tướng của ông Nawaz Sharif - là đối thủ không kém gì sự đối đầu của chính ông Nawaz Sharif với ông Imran Khan.
Bình luận (0)