Miền Bắc Chile đêm 2-4 (giờ địa phương) hứng chịu thêm trận động đất mạnh 7,6 độ Richter nhưng chưa có thông tin về thiệt hại.
Theo Cơ quan Giám sát địa chất Mỹ (USGS), đây là dư chấn mạnh nhất trong một loạt dư chấn xảy ra sau trận động đất 8,2 độ Richter xảy ra một ngày trước đó ở cùng khu vực khiến 6 người thiệt mạng và hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy.
Một con thuyền bị sóng thần đánh vào bờ ở thành phố Iquique (Chile) sau trận động đất mạnh 8,2 độ Richter
Ảnh: REUTERS
Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương tiếp tục ban bố cảnh báo nguy cơ sóng thần sau động đất mới nhưng đã gỡ bỏ sau đó. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng học Nhật Bản cho biết đã đo được sóng thần nhỏ ở tỉnh Đông Bắc Iwate vào lúc 7 giờ ngày 3-4 do ảnh hưởng của động đất tại Chile.
Các nhà địa chất học Mỹ cảnh báo dù trận động đất ngày 1-4 mạnh bất thường song có khả năng một trận động đất khác còn mạnh hơn sẽ xảy ra tại khu vực này trong thời gian tới. Ông Mark Simons, chuyên gia địa chất tại California, cho biết: “Trận động đất 8,2 độ Richter chưa phải là lớn nhất. Chúng tôi cho rằng một trận động đất lớn hơn có thể xảy ra trong nay mai hoặc 50 năm nữa”.
Các trận động đất ở Chile thuộc số hàng loạt động đất dọc “vành đai lửa” Thái Bình Dương gần đây. Tại vành đai khét tiếng này xảy ra tới 81% các trận động đất lớn nhất thế giới, bao gồm động đất 9 độ Richter ở Nhật Bản năm 2011, kéo theo thảm họa sóng thần - hạt nhân.
Hồi tuần trước, trận động đất 5,1 độ Richter ở TP Los Angeles - Mỹ gây ra dư chấn dọc bờ biển California. Nhà địa chấn học Kate Hutton, thuộc Viện Công nghệ California, nói với đài ABC News: “Về cơ bản thì bất kỳ nơi nào xung quanh vành đai Thái Bình Dương đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi động đất, từ Nam Mỹ, bờ biển California và bang Alaska (của Mỹ) cho đến Nhật Bản, Philippines…”.
Theo bà Hutton, do các nhà khoa học vẫn chưa dự đoán được thời gian và địa điểm xảy ra động đất nên không thể nói trước được điều gì về “vành đai lửa” trong thời gian tới.
Một số thành phố đông dân như Santiago (Chile), Los Angeles và San Francisco (bang California - Mỹ), Seattle (bang Washington - Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) và Lima (Peru) đều nằm trong những khu vực có nguy cơ động đất cao nhất trên “vành đai lửa”.
Dù vậy, một số chuyên gia khác của Mỹ cho rằng giữa các trận động đất này không có liên quan. “Không có bằng chứng cho thấy sự kết nối trong hoạt động giữa các vùng khác nhau trên vành đai lửa” - nhà khoa học Robert Muir-Wood nhận định với hãng tin AP.
Bình luận (0)