Theo báo Daily Sabah hôm 14-10, 50 máy bay trên thuộc dòng FW-190A3 và nằm trong số 72 chiếc do Đức sản xuất rồi bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ sau Thế chiến I, hoạt động hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức tiếp tục duy trì. Vào năm 1941, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức ký kết một thỏa thuận thương mại, trong đó Ankara bán quặng sắt và crôm sang Berlin để đổi lấy 72 chiếc FW-190A3 của Đức.
Một chiếc FW-190A3. Ảnh: hurriyet daily news
Số máy bay này được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1943, sau đó bay thử lần đầu vào tháng 10 cùng năm. Chúng được phân phối đến 5 tỉnh, trong đó 50 chiếc gửi đến Kayseri trước khi biến mất 4 năm sau.
Theo những văn kiện mới được công khai, vào năm 1947, Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy tất cả máy bay chiến đấu FW-190A3 của Đức để bán máy bay tồn kho sau Thế chiến II. Sau các cuộc đàm phán dài hơi với Ankara, số máy bay FW-190A3 biến mất. Theo Sabah, số máy bay này "bốc hơi" cùng thời điểm viện trợ Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực tìm kiếm 72 máy bay chiến đấu bắt đầu từ năm 2015. Các máy dò kim loại phát hiện nơi máy bay bị chôn nhưng thủ tục hành chính phức tạp cùng cuộc đảo chính hôm 15-7 đã cản trở quá trình khai quật.
Ông Uluhan Hasdal, người điều tra vụ mất tích máy bay FW-190A3 trong gần 25 năm, cho biết Mỹ đề nghị cung cấp máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ miễn phí với điều kiện Ankara phải phá hủy số máy bay của Đức.
“Mỹ muốn giao máy bay miễn phí. Họ chỉ có một điều kiện là số máy bay Đức bị phá hủy. Gần 50 máy bay chiến đấu được đưa đến sân bay Kayseri và bị bỏ lại ngoài kho bãi. Số máy bay này được bọc vải bạt dầu và bị chôn sau đó. Chính quyền Đức nói với tôi rằng những chiếc máy bay này có khả năng chống ăn mòn và có thể cất cánh nếu chúng được khai quật” - ông Uluhan Hasdal cho biết.
Bình luận (0)